Hiện, Lệ Thủy đã có có 2 sản phẩm được công nhận sở hữu trí tuệ là gạo sạch P6 Lệ Thủy và mướp đắng an toàn Hưng Thủy. Có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: làng nghề chiếu cói An Xá và làng nghề rượu Tuy Lộc (ở xã Lộc Thủy), làng nghề nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy) và làng nghề mộc mỹ nghệ, đan lát Xuân Bồ ( xã Xuân Thủy ). Doanh thu bình quân một làng nghề đạt trên 5 tỷ đồng/ năm, thu hút trên 1.842 lao động tham gia với mức thu nhập từ 2- 4 triệu đồng/người/tháng.

Nằm bên hữu ngạn con sông Kiến Giang, làng Quy Hậu, xã Liên Thủy được người dân và du khách biết đến với sản phẩm nón lá nổi tiếng hàng trăm năm nay. Làng được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Hiện làng có trên 600 hộ gia đình tham gia làm nón, doanh thu hàng năm đạt 18 tỷ đồng, mang lại thu nhập 12 triệu đồng/lao động/ năm. Người dân ở đây cho biết, nghề làm nón không tốn sức, chỉ cần sự khéo tay và kiên trì nên phụ nữ, người già hoặc thanh, thiếu niên đều tham gia được. Cứ vào lúc nông nhàn, khi công việc đồng áng đã xong, người dân ở đây mới làm nón. Tùy vào từng loại nón như: nón dừa hay nón lá... thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau và mức giá cũng khác nhau. Bình thường mỗi người làm được từ 2 - 3 chiếc nón/ngày, trừ chi phí lãi được 100.000 – 150.000 đồng. Nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường nên sản phẩm nón Quy Hậu không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn mà còn được đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ ưa chuộng và trở thành thị trường chủ yếu. Đây là cơ sở để người dân yên tâm tham gia nghề làm nón, khôi phục và phát huy một nghề truyền thống của quê hương, cơ bản giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn, mùa bão lũ, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và xã hội. 

Làng An Xá, xã Lộc Thủy không chỉ được nhiều người biết đến bởi nơi đây là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn nổi tiếng bởi có nghề dệt chiếu cói truyền thống. Làng có khoảng 418 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó hơn 80 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Trung bình mỗi năm dệt và bán ra thị trường hơn 12.000 đôi chiếu các loại, mang về doanh thu trên 5 tỷ đồng. Địa phương cũng đã mở rộng diện tích trồng cói, từ 4 ha lên 7 ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu tại chỗ cho làng nghề.

Mặc dù hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề sản xuất chiếu cói An Xá vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Nhiều gia đình ở An Xá nhờ làm chiếu kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học.

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lệ Thủy, để duy trì, phát triển làng nghề, bên cạnh các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện Lệ Thủy đã tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng phát triển làng nghề để có những giải pháp phù hợp.

Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ khôi phục và khuyến khích phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, Lệ Thủy đang tập trung ưu tiên phát triển ngành nghề chế biến nông – lâm - thủy - hải sản, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, thực phẩm, đồ uống, đồng thời du nhập thêm một số nghề mới...  để phục vụ du lịch và xuất khẩu. Cùng với đó, chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm đang được khởi động hứa hẹn sẽ giúp cho làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nguyễn Trung Hiểu

Đài TT-TH huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình