Xuất khẩu gạo sa sút, trong nước giá lúa đông xuân đang giảm khi Tết nguyên đán 2017 cận kề đã khiến nông dân hụt hẫng.

Nhiều bất lợi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12 đạt 399.000 tấn với giá trị 181 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu gạo năm 2016 ước đạt 4,88 triệu tấn, tương đương 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2016 đạt 448 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2016 với 35,9% thị phần, đạt 1,61 triệu tấn với giá trị 722,2 triệu USD, giảm 20,5% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Có thể nói 2016 là năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, xuất khẩu trì trệ kéo theo giá lúa, gạo trong nước giảm. Tính chung cả năm, lúa IR50404 ở An Giang giảm 450 đồng/kg (từ 4.850 đồng xuống 4.400 đồng/kg), tại Vĩnh Long giảm từ 4.800 đồng xuống 4.300 - 4.400 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường từ 5.900 đồng/kg giảm còn 5.400 đồng, lúa hạt dài từ 6.100 đồng/kg xuống 5.800 đồng/kg.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Cần Thơ có 29 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nhưng nhiều DN không đạt chỉ tiêu dẫn đến năm nay, xuất khẩu gạo của TP không đạt kế hoạch”.

Hiện một số địa phương có lúa đông xuân thu hoạch trước Tết nguyên đán 2017 như An Giang và Đồng Tháp được thương lái thu mua với giá thấp. Ông Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phản ánh: “Thương lái mua lúa IR50404 tại ruộng chỉ 4.300-4.400 đồng/kg, giảm 150-200 đồng/kg so với cách đây 10 ngày. Riêng lúa thơm như Nàng Hoa, OM 4900 giá chỉ 4.800 -4.900 đồng/kg, giảm từ 200- 300 đồng/kg”.

Theo nông dân này, do vừa qua thời tiết bất lợi, mưa dầm kéo dài làm lúa ngã nên năng suất thấp, chỉ 6 tấn/ha. “Thuê đất 10 ha trồng lúa vụ đông xuân để mong có chút tiền lời sắm Tết nhưng với giá thấp như hiện nay, tôi chỉ mong thu được vốn” - ông Lý nói.

Ngày càng khó khăn

TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2016, do đầu ra khó khăn nên xuất khẩu gạo giảm cả sản lượng và giá trị. Những năm trước, Việt Nam có ký xuất theo hợp đồng tập trung cho một số thị trường, như Malaysia, Philippines, Indonesia… Với Phlippines, có năm ký bán gạo theo hợp đồng tập trung từ 1,5-2 triệu tấn nhưng từ đầu năm đến nay, mới xuất cho thị trường này 150.000 tấn.

Bên cạnh đó, một số nước khác cũng cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam (như Campuchia, Myanmar…), Thái Lan xả hàng tồn kho nên lượng cung trên thị trường thế giới dồi dào, gây khó khăn cho đầu ra của gạo Việt. Theo dự kiến ban đầu, xuất khẩu gạo năm 2016 đạt 6 triệu tấn, sau đó giảm còn 5,6 triệu tấn nhưng thực hiện chưa đến 5 triệu tấn.

Theo ông Toại, ngoài cạnh tranh gay gắt hơn, xuất khẩu gạo năm nay gặp khó do một số nước đề ra rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, mưa lũ, hạn mặn đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo hàng hóa. “Gạo Việt chưa có thương hiệu nên giá bán không cao cũng là rào cản lớn cho xuất khẩu” - ông Toại phân tích.

Hiện nay, một số nước trong đó có Philippines đang hướng tới tự túc lương thực, nhà nước giao cho DN tự mua tự bán, không nhập khẩu theo hợp đồng tập trung nên dự báo xuất khẩu gạo trong năm tới của nước ta càng khó khăn hơn.

Phải có thương hiệu

Ông Lê Văn Bảnh cho biết bên cạnh xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương cũng đang cải tiến, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cấp chất lượng hạt gạo và cố gắng trong năm 2017 sẽ xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia. Khi có thương hiệu, hạt gạo sẽ có giá trị hơn.

Theo báo Người lao động