Hưng Yên từ lâu được người tiêu dùng cả nước biết đến với nhiều giống nhãn nổi tiếng cùi dày, ngọt nước. Tuy nhiên, do đặc điểm của nhãn Hưng Yên là chín tập trung vào một thời điểm nên người trồng nhãn thường bị thương lái ép giá, hiệu quả kinh tế không cao. Để khắc phục hạn chế này, tại một số địa phương trong tỉnh, người dân đã và đang chuyển sang thâm canh các giống nhãn chín sớm với thị trường tiêu thụ và giá thu mua ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so các giống nhãn truyền thống.

Thời điểm này, các vườn nhãn chín sớm ở Hưng Yên đã cho thu hoạch. Do chín trước và số lượng ít nên nhãn sớm thường bán giá khá cao. Là một trong những người tiên phong phát triển nhãn chín sớm, ông Chu Văn Vang ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu đã lai tạo thành công giống nhãn chín sớm với nhiều ưu điểm. Nhãn của gia đình ông Vang ra hoa cùng thời điểm nhãn chính vụ nhưng thời gian sinh trưởng từ lúc quả non đến khi thu hoạch lại ngắn hơn và thường chín sớm hơn nhãn truyền thống từ 20 đến 30 ngày. Nhãn chín sớm có quả to, chùm sai quả, mẫu mã đẹp, hạt nhỏ, cùi giòn, vị ngọt đậm và thơm nên rất được thị trường ưa chuộng; giá bán thường cao gấp 1,5 - 2 lần thời điểm chính vụ. Năm nay, vườn nhãn của gia đình ông Vang cho thu hoạch từ trung tuần tháng 7. Thương lái vào thu mua tại vườn với mức giá khoảng 50.000 đồng/kg. Do thực hiện đúng quy trình thâm canh nên giống nhãn chín sớm của gia đình ông Chu Văn Vang cho sản lượng bình quân khoảng gần 1 tấn/sào, ước tính giá trị khoảng trên 45 triệu đồng, gấp hơn 2 lần so với các giống nhãn truyền thống. Ngoài ra, ông còn cung cấp cây giống ra thị trường với giá bán trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/cây.

Cũng thực hiện thâm canh nhãn chín sớm song gia đình ông Trần Văn Hoàng ở xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên lại chọn cách thay đổi phương pháp kỹ thuật để điều chỉnh sinh trưởng của các gốc nhãn cũ. Theo đó, cơ bản ông Hoàng vẫn áp dụng các hình thức chăm sóc truyền thống như chăm bón cho cây phát triển cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm; đồng thời vận dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn, tham khảo kiến thức từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ những mô hình trồng nhãn thành công trong và ngoài địa phương, ông đã thành công trong việc lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy trái nhãn chín sớm. Nhờ vậy, chất lượng quả nhãn đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường: mẫu mã to đẹp, cùi dày, giòn, vị ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Từ vụ nhãn năm 2016 đến nay, nhờ chịu khó tìm hiểu và áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất, nên diện tích nhãn của gia đình ông Hoàng đều cho thu hoạch sớm hơn nhãn chính vụ từ 2 - 3 tuần, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 300 gốc nhãn hương chi trên diện tích gần 4 mẫu, bình quân hàng năm gia đình ông Hoàng thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí.

Theo kinh nghiệm của người trồng nhãn ở Hưng Yên, do thu hoạch trước và được chăm sóc bảo đảm nên nhãn chín sớm thường có đầu ra ổn định; giá xuất bán cũng cao hơn hẳn nhãn chính vụ. Tùy từng vụ, song nhãn chín sớm thường được bán với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, cá biệt, có thời điểm giá bán lên tới gần 70.000/kg; trong khi nhãn trà chính vụ thường chỉ vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Do vậy, tại một số địa phương ở Hưng Yên như Khoái Châu, Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, thành phố Hưng Yên…, nhiều chủ vườn đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các phương pháp xử lý, điều chỉnh để nhãn ra hoa đậu quả hợp lý cùng với quy trình chăm sóc tốt nên nhãn chín sớm luôn được mùa được giá. Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, mô hình thâm canh nhãn chín sớm là cơ sở để bà con nông dân trên địa bàn nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thu hoạch nhãn chín sớm ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên)

Theo thống kê, vụ nhãn năm nay toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.800 ha nhãn các loại; trong đó diện tích nhãn chín sớm chỉ chiếm chưa đến 10%. Thời gian tới, nhằm nâng cao giá trị sản xuất kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường nghiên cứu, mở rộng diện tích nhãn chín sớm gắn với quy trình sản xuất “nhãn sạch” theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, để mô hình này thực sự có tính ổn định, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp cùng các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý cây giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây nhãn và quy hoạch vùng phát triển cácgiống nhãn chín sớm; tránh việc phát triển tự phát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị quả nhãn trên thị trường.

Thực tế cho thấy, việc phát triển các giống nhãn chín sớm đang là hướng đi hiệu quả, vừa giúp Hưng Yên phát huy được thế mạnh của loại cây trồng truyền thống; vừa nâng cao giá trị kinh tế của trái nhãn và tăng thu nhập cho người trồng nhãn./.

Quang Đạo