Đông đảo các đơn vị đầu mối tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam trong và ngoài tỉnh, đại diện cơ quan chuyên môn, các vùng vải Bình Khê (TX Đông Triều) và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cùng các hộ trồng vải trên địa bàn phường đã về dự hội nghị.

Vùng vải Phương Nam phân bố tập trung trên diện tích 352ha với đặc thù nổi bật là thời gian thu hoạch sớm hơn so với các loại vải thông thường khác trên 15 ngày, thậm chí 40 ngày nếu so với vùng vải Bình Khê (TX Đông Triều).

Những năm gần đây, do được trồng, chăm sóc, khai thác đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản lượng và chất lượng quả vải chín sớm Phương Nam ngày càng được đảm bảo, trung bình mỗi năm đạt trên 1.000 tấn; quả to, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, có vị thơm ngọt… Năm 2016, Phương Nam được mùa vải với tổng sản lượng thu được trên 1.500ha, cao hơn 50% so với năm 2015.

Rất nhiều lợi thế là vậy tuy nhiên khâu tiêu thụ và giá thu mua vải chín sớm Phương Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tính ổn định, từ đó chưa phát huy hết giá trị vốn có của nông sản này. Đơn cử như năm 2016, giá trị thu được từ vải chỉ cao hơn năm 2015 chưa đầy 2 tỷ đồng, bằng 7%, đạt 33,3 tỷ đồng.

Mùa vải 2017, do thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sai hoa, tỷ lệ đậu quả được đánh giá cao nhất trong những năm gần đây. Qua khảo sát thực tế và trên cơ sở tỷ lệ đậu quả, kích thước quả thời điểm này, các đại biểu đánh giá vùng vải Phương Nam sẽ được mùa, ước tổng sản lượng đạt trên 2.000 tấn.

Khi sản lượng và chất lượng quả vải chín sớm Phương Nam đã đi vào ổn định thì vấn đề đặt ra là cần tìm kiếm, mở rộng khách hàng, nhất là những khách hàng chiến lược để thúc đẩy đầu ra, nâng cao giá trị.

Vụ vải chín sớm Phương Nam năm nay dự đoán được mùa, sản lượng có thể đạt đến 2.000 tấn

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận rất thẳng thắn, nghiêm túc liên quan đến các vấn đề tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm Phương Nam. Trong đó chỉ rõ những tồn tại trong khâu xúc tiến thương mại, chi phí cho các khâu trung gian, môi giới mua bán sản phẩm, tư duy bán chạy, bán đuổi giá của người dân… Bên cạnh đó thì hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất như hiện nay cũng ảnh hưởng tới việc nâng cao giá trị sản phẩm.

Đây là lần thứ 2, phường Phương Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho quả vải chín sớm. Hội nghị đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các hộ trồng vải và các khách hàng. Qua hoạt động này, đã thúc đẩy đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và thể hiện được vai trò quản lý nhà nước, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và hơn hết chủ động tạo các điều kiện thuận lợi để đón hướng phát triển vùng vải một cách chuyên nghiệp, quy mô và giá trị cao sau này.

Theo báo Quảng Ninh