Trong thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn. Trong đó giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được xem là hướng đi phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn giúp các cơ quan quản lý kiểm soát được an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Thông qua logo nhận diện “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã cấp chứng nhận cho 09 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 11 sản phẩm gồm: 5 sản phẩm rau, 4 sản phẩm thịt, trứng, gạo, 2 sản phẩm nước mắm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Cán bộ Chi cục QLCL NLS&TS kiểm tra các sản phẩm bày bán tại cửa hàng nông sản sạch Triệu phong

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn… Mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: Để được chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cần một số điều kiện, thủ tục. Đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở sơ chế nhỏ lẻ, hộ kinh doanh phải ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Đối với các cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh là các doanh nghiệp thì phải được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Các cơ sở sản xuất ban đầu là các HTX, doanh nghiệp có chứng nhận VietGAP, các chứng chỉ tương đương hoặc có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các sản phẩm trong chuỗi được cơ quan chức năng lấy mẫu và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định, đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm của chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Chi cục kiểm soát từ điều kiện đảm bảo an toàn đối với cơ sở sản xuất chế biến cho đến cơ sở kinh doanh để kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm; Định kỳ hàng tháng lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh để giám sát vì vậy những sản phẩm trong chuỗi đạt các tiêu chí ATTP. Các sản phẩm trong chuỗi có giá bán cao và ổn định hơn sản phẩm cùng loại, giúp các cơ sở sản xuất yên tâm và chủ động trong khâu sản xuất.

Sản phẩm rau mô hình canh tác tự nhiên tại Triệu Phong

Trao đổi với chúng tôi ông Phan Hữu Thặng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục sẽ phát triển và triển khai đề án mô hình thí điểm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, gồm 3 chuỗi là chuỗi thịt lợn, chuỗi thịt gà và chuỗi rau. Sau khi triển khai chi cục sẽ nhân rộng mô hình để phát triển thêm các chuỗi đảm bảo cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các sản phẩm an toàn. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia vào các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để quảng bá các sản phẩm đã được xác nhận an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi sẽ kết nối các cơ sở sản xuất và các cơ sở kinh doanh về các sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, để đưa đến tay người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn”, ông Thặng nói.

Lợi ích mà các đơn vị nhận được khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là điều không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, nhất là trong bối cảnh các chuỗi mới xây dựng, đang trong quá trình tự hoàn thiện và nỗ lực khẳng định thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng. Để mục tiêu của kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh được đảm bảo thực hiện cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính sự quyết tâm, kịp thời trong chỉ đạo, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền cùng với sự tham gia tích cực, chủ động hơn nữa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn, sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là điều kiện tiên quyết để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả một cách toàn diện những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Phan Việt Toàn

TT Khuyến nông Quảng Trị