Đầu tư đa dạng sản phẩm 

Thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ - FiBl, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ ở Việt Nam trong 5 năm (từ 2010 - 2015) đã tăng 3,6 lần, từ 19.000 ha lên hơn 76.000 ha, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Cà Mau, Bến Tre... 

Hiện sản phẩm hữu cơ không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Anh, Mỹ, Đức... Số lượng doanh nghiệp tham gia vào ngành thực phẩm hữu cơ cũng gia tăng, không chỉ mở rộng trong lĩnh vực sản xuất mà còn chuyển sang phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên doanh... 

Sau hàng chục năm theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ, đến năm 2016, Công ty Cổ phần Vinamit đã đạt được chứng nhận canh tác, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU). Hiện Vinamit đang phát triển mạnh việc cung ứng rau và trái cây organic ra thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại. 

Tương tự, ở ngành sữa, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã khánh thành trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trang trại đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Để được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, mọi quy trình từ con giống đến sản xuất sữa, Vinamilk phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn “3 không” (không thuốc trừ sâu, không dư lượng kháng sinh, không sử dụng hoóc-môn tăng trưởng). 

Trước tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm với nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp được canh tác, nuôi trồng theo quy trình hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về các nội dung này. 

Theo đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ được rà soát nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển; xây dựng hướng dẫn sản xuất, chế biến, phát triển thương hiệu thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Trong đó, lựa chọn một số nhóm sản phẩm theo lợi thế quốc gia, lợi thế vùng kinh tế trọng điểm, đặc sản vùng miền để tập trung và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, đơn vị sản xuất và phân phối để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Từ đó, thực hiện các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và đáp ứng tốt nhất yêu cầu đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ người dân Việt Nam cũng như hướng đến xuất khẩu. 

Xây dựng "lối sống hữu cơ" 

Nhu cầu về sản phẩm an toàn, minh bạch về nguồn gốc ngày càng cao trong cộng đồng cũng hứa hẹn triển vọng cho ngành hàng thực phẩm hữu cơ và các nhà đầu tư mở rộng quy mô, phạm vi sản xuất tại Việt Nam. 

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường tăng lên hàng năm . 

Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam. 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, việc Vinamit ký kết hợp tác và trở thành đối tác cung ứng thực phẩm organic cho Saigon Co.op, sẽ tạo nên sức mạnh liên kết và thúc đẩy đưa sản phẩm hữu cơ nội địa đến với người tiêu dùng cũng như tăng cường quảng bá cho những dòng sản phẩm này. Thông qua đó, tăng cường các kênh tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng nhận thức đầy đủ về sản phẩm hữu cơ, khuyến khích nhiều đơn vị sản xuất tham gia vào phân khúc thị trường này, hướng đến xây dựng "lối sống hữu cơ" và đảm bảo sức khỏe cho người dân. 

Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp doanh nghiệp phục vụ tốt thị trường trong nước mà còn đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu và xu hướng tiêu dùng của người dân thế giới. 

Chính sự thay đổi trong sản xuất và tiêu dùng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cải tạo thổ dưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam – ông Viên phân tích. 

Đồng quan điểm, ông Richard De Boer, Giám đốc Control Union Việt Nam – Tổ chức chứng nhận độc lập trên quy mô toàn cầu cho rằng, trong thời đại an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu có những động thái tích cực hướng tới đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho chính mình cũng như gia đình. "Cụ thể, người tiêu dùng hiện đại đã và đang hướng sự quan tâm của mình đến với sản phẩm organic. Việc hình thành lối sống organic không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ, song song với những thói quen lành mạnh như tập thể dục, yoga... chúng ta có thể bắt đầu lối sống xanh bằng việc tiêu dùng sản phẩm organic" - ông Richard De Boer nhận xét./. 

Theo TTXVN