Bưởi đỏ được trồng từ những năm 60- 70 của thế kỷ trước ở vùng đất Đông Lai. Giống bưởi đỏ phù hợp với đất đai, khí hậu thổ nhưỡng nơi đây nên có hương vị riêng hấp dẫn. Bưởi đỏ Tân Lạc cho thu hoạch rộ từ tháng 11. Quả bưởi to đều, căng mọng, khi chín vàng ươm, thơm lừng; tép bưởi đỏ hồng, nhiều nước, hương vị ngọt thanh, mát. Trước người dân chỉ dùng để làm quà cho nhau dịp lễ tết, sau này đã phát triển thành cây trồng chủ lực đem lại sự giàu có đáng mơ ước của nông dân nhiều vùng quê.

Cây bưởi đỏ góp phần phát triển kinh tế cho người dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình)

Nhận thức tiềm năng, thế mạnh phát triển giống bưởi đỏ, huyện ủy Tân Lạc đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 10/7/2013 về “Phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc giai đoạn 2013- 2020” và cụ thể hóa thành kế hoạch để chỉ đạo về phát triển vùng bưởi hàng hóa giai đoạn 2013- 2020 với nhiều giải pháp cụ thể, định hướng, hỗ trợ người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Trước khi Nghị quyết số 10 ban hành, các cấp, chính quyền từ huyện đến cơ sở chưa có chủ trương và giải pháp cụ thể để chỉ đạo phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh theo hướng hàng hóa. Trình độ sản xuất, nhận thức của người dân còn hạn chế và không đồng đều. Sau khi Nghị quyết ban hành đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tinh thần Nghị quyết được quán triệt, thực hiện; từ việc trồng manh mún, nhỏ lẻ đã chuyển sang trồng tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt. Nếu năm 2013, cả huyện chỉ có khoảng 100ha bưởi thì đến tháng 7/2018, diện tích trồng bưởi đã đạt trên 1.046ha, vượt 90,32% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 395 ha, diện tích đã trồng từ 1- 3 năm là 651 ha. Diện tích bưởi đỏ tập trung nhiều nhất tại các xã vùng dọc quốc lộ 12B và quốc lộ 6, trong đó, một số xã phát triển nhanh diện tích trồng bưởi là Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú... Đến nay, diện tích trồng bưởi của người dân đã từng bước ổn định, chủ yếu tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi cho thu hoạch, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi quả.

Bưởi đỏ được xem là cây trồng có hiệu quả nhất từ trước đến nay, bưởi dễ trồng, chăm sóc không phức tạp, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Tính ra, giá trị thu nhập của bưởi đạt từ 500- 700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt tới gần 1 tỷ đồng/ha. Chính quyền và người dân Tân Lạc cũng đã có những nhận thức đúng đắn về xây dựng và giữ gìn thương hiệu bưởi đỏ, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác sản xuất thực hiện theo các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân để liên doanh, liên kết tiêu thụ bưởi. Hiện trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã (HTX) là HTX Sản xuất và Kinh doanh  nông sản sạch Đông Lai và HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc đã liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ bưởi. Trong đó, HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc đã đầu tư hệ thống máy rửa tự động, đồng thời phân loại, đóng gói, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm đạt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng.

Việc bưởi đỏ Tân Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của huyện phát triển bền vững; là cơ hội lớn để huyện Tân Lạc giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của địa phương, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bưởi có thương hiệu, bà con sẽ bán được giá cao hơn. Nó cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu mới để giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi đỏ của Tân Lạc trong thời gian tới. 

Có thể khẳng định, cây bưởi đỏ đã góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Từ những khu vườn tạp, đất đai khô cằn, nhiều hộ gia đình đã đầu tư, cải tạo đất đai để trồng bưởi theo hướng thâm canh, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường. Cây bưởi đã trở thành cây trồng chính đem lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Ông Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết:  Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo diện tích trồng bưởi theo đúng quy hoạch, nhất là các địa bàn có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây bưởi với diện tích hợp lý khoảng 1.300ha. Hiện đang triển khai các giải pháp cụ thể quản lý và kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm bưởi; tăng cường phổ biến cho người trồng bưởi áp dụng quy trình thống nhất để bảo đảm chất lượng của sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường xúc tiến, quảng bá, tạo ra sự kết nối theo chuỗi giá trị từ khâu trồng trọt đến khâu tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc riêng, xứng với danh tiếng truyền thống văn hóa nổi tiếng vùng Mường Bi./. 

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình