Hà Tĩnh được biết đến là vùng đầy khó khăn về khí hậu, thời tiết, được ví như “túi mưa, chảo lửa” của cả nước. Nhưng mảnh đất này cũng là địa chỉ của nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản, đặc hữu như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Bù Hương Sơn, quýt ngọt Kỳ Anh,....

Trong vài năm gần đây, diện tích canh tác cam tăng lên nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 6.161 ha diện tích trồng cam (trong đó cam Chanh chiếm 5.093 ha, cam Bù chiếm 1.068 ha), đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh có diện tích canh tác cam lớn nhất của cả nước. Người sản xuất cam trong tỉnh đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tưới nhỏ giọt DIG (Mỹ), Netafim (Israel); sản xuất cam sạch theo hướng hữu cơ, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó năng suất, chất lượng cam được tăng cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy công tác quảng bá sản phẩm vẫn chưa tương xứng với chất lượng và kết quả hoạt động sản xuất của người trồng cam. Hầu hết các hộ dân và trang trại vẫn phải tự bán, có một vài doanh nghiệp thu mua nhưng với số lượng ít. Vì vậy, mặc dù cam Hà Tĩnh ngọt thanh, thơm mát, có vị đặc trưng riêng nhưng vẫn chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, nhiều người tiêu dùng ngoài tỉnh vẫn chưa biết đến thương hiệu cam Hà Tĩnh.

Nhằm quảng bá thương hiệu cam Hà Tĩnh và kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam bền vững, từ ngày 02 đến ngày 04/12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức “Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh”. Đây là lần đầu tiên sự kiện về cam  được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh nên đã thu hút nhiều sự quan tâm của các ngành, các cấp chính quyền và người trồng cam. Đặc biệt, lễ hội vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tới tham dự và cắt băng khai mạc.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh  khẳng định: “Lễ hội là bước khởi đầu chắp cánh cho những giá trị kết tinh văn hoá Hà Tĩnh, trái ngon mang đến nét đặc sản Hà Tĩnh cùng bạn bè, người tiêu dùng cả nước. Lễ hội lần này cũng là dịp tổ chức thi, bình chọn những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, trước hết là để tôn vinh các nhà sản xuất, sau nữa là giới thiệu để nhà cung cấp, người tiêu dùng biết đến những giá trị cao nhất của các đặc sản nông sản Hà Tĩnh và cùng nhau xây dựng những giá trị chung cho thương hiệu quả cam, quả bưởi Hà Tĩnh”.

Nhiều sản phẩm cam Hà Tĩnh được trưng bày tại lễ hội

Một trong những nội dung chính của lễ hội là cuộc thi gian hàng đẹp và chất lượng cam đặc sản tiêu biểu. Kết quả có 01 giải Đặc biệt cho vườn cam ở xã Hương Thọ, Vũ Quang và 11 giải A tiêu biểu cho các vườn cam đạt chất lượng đến từ các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê,... Kết quả cuộc thi là một điểm nhấn quan trọng để các nhà vườn, trang trại phấn khởi, tiếp tục đầu tư, canh tác và quảng bá thương hiệu cam của vườn mình ngày càng xa hơn, rộng hơn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, các chương trình nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác canh cũng như gia tăng giá trị, chất lượng cây cam cũng được tổ chức như: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề về “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi”; Lễ trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hội nghị kết nối cung cầu,…

Bên cạnh việc quảng bá thương hiệu cam Hà Tĩnh, lễ hội còn tạo điều kiện cho các nhà vườn, chủ trang trại giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng, bảo quản, tiêu thụ cam và kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam bền vững.

Trước đó, để cây cam trở thành cây kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 32/2016 ngày 15/12/2016 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đặc biệt tại Điều 5 của Nghị quyết nêu rõ về hỗ trợ về sản xuất giống cam và trồng cam mới; hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí quản lý, chăm sóc, bảo vệ, theo dõi cây đầu dòng cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch; hỗ trợ hệ thống tưới, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đối với các vườn cam,…

Nhận định được vai trò quan trọng của việc xây dựng, tạo thương hiệu cho cam ngày càng phát triển và để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp cam Hà Tĩnh vươn tới những thị trường lớn, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trong 2 năm liên tiếp (năm 2016 và năm 2017) đã xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà.

Sau 2 năm, cùng với sự nỗ lực của các cán bộ khuyến nông cũng như người trồng cam, toàn tỉnh đã có 85 ha trồng cam sản xuất theo hướng VietGAP; 35 ha trồng cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP (Tổ hợp tác sản xuất cam Trà Sơn (Thượng Lộc, Mỹ Lộc - Can Lộc): 5 ha; 3 Tổ hợp tác sản xuất cam ở xã Ngọc Sơn - huyện Thạch Hà; xã Đức Lĩnh – huyện Vũ Quang; xã Hương Đô – huyện Hương Khê: 30 ha); xây dựng mô hình sản xuất cam tại Sơn Mai, huyện Hương Sơn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với truy xuất nguồn gốc,…

Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc DN tư nhân Tân Thanh Phong chuyên thu mua cam Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế cho thấy, nếu xây dựng được cam thương hiệu, đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm với khối lượng hàng hóa lớn ra các tỉnh khác”.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp chính quyền bằng những chính sách cụ thể, rõ ràng cộng với sự đổi mới tư duy của người trồng cam, tin tưởng rằng thương hiệu cam Hà Tĩnh sẽ ngày càng được khẳng định trên thị trường, được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến./.

Trần – Hoàng Thanh

Trung Tâm Khuyến nông Hà Tĩnh