Phú Lương là huyện có truyền thống về chè của tỉnh Thái Nguyên, với diện tích trên 4300 ha chè, đứng thứ 2 trong toàn tỉnh (sau huyện Đại Từ), năng suất trung bình 112 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm 43.000 – 44.000 tấn. Huyện Phú Lương hiện có 35 làng nghề chè đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận. Trong những năm qua cây chè là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu của người dân trong huyện.

Tuy nhiên thời gian qua việc phát triển cây chè và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm chè huyện Phú Lương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến phần lớn vẫn chỉ là nông hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vào sản xuất, chế biến…; Hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè thông qua hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, việc phối hợp “4 nhà” để phát triển cây chè và các sản phẩm từ chè chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng các làng nghề chè cần thay hình thức sản xuất theo quy mô hộ bằng tổ hợp tác (THT) hoặc hợp tác xã (HTX), từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất chè theo chuỗi. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ hợp tác trong làng nghề đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín có quy mô với thiết bị đồng bộ. Khuyến khích chế biến thành phẩm được đóng gói, có bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý.

Để nâng cao năng suất, chất lượng chè tạo sản phẩm an toàn, người dân cần bón đủ phân, bón phân hữu cơ, phân vi sinh thay thế ít nhất từ 40-50% lượng phân hoá học, bón cân đối N:P:K. Không sử dụng phân tươi để bón cho chè, không sử dụng phân ủ mà nguyên liệu lấy từ rác thải đô thị, bệnh viện, khu công nghiệp, khu khai khoáng… Đồng thời, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học, tăng sử dụng  thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học thảo mộc.

Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ, sản xuất chè theo quy trình VietGAP, GAP khác để nâng cao chất lượng. Xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, kết nối thị trường…

Tăng cường kiểm soát nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cấp năng lực thị trường cho người sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè. Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ thuật, kiến thức thị trường và trách nhiệm cộng đồng cho người sản xuất…

  Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tính đến nay cơ cấu giống chè hiện có của huyện có giống chè Trung Du (chiếm 47% diện tích), chè cành (chiếm 53% diện tích). Huyện Phú Lương phấn đấu đến năm 2020 diện tích chè cành giống mới chiếm 65% cơ cấu giống chè trên địa bàn huyện với các giống chè LDP1 (1170 ha), Kim Tuyên (350 ha), TRI 777 (435 ha), Phúc Vân Tiên (100 ha), các giống chè khác gồm Thúy Ngọc, Keo Am Tích, Bát Tiên là 89 ha. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020, các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô và Yên Lạc sẽ là vùng sản xuất chè cơ bản đảm bảo môi trường, chè không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo sẽ được tổng hợp để tham vấn cho huyện trong công tác quy hoạch, chỉ đạo phát triển cây chè trên địa bàn trong những năm tiếp theo với mục đích nâng cao sản phẩm chè của huyện Phú Lương; nâng cao được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; đồng thời nâng cao thu nhập của người lao động vùng chè, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.  

Được biết, Lễ hội vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất, năm 2017 do UBND huyện Phú Lương tổ chức từ ngày 16/11-17/11/2017, tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương nhằm tôn vinh người trồng, chế biến, sản xuất chè; thúc đẩy hoạt động phát triển làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời để quảng bá thương hiệu trà Phú Lương với bạn bè bốn phương.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động như thi: “Nương chè đẹp”; “Khu chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm”; “Bàn tay vàng của người sao chè”; “Kỹ năng pha trà, mời trà”; “Trưng bày, quảng bá sản phẩm chè của các làng nghề”. Ngoài ra, du khách còn được thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa trà của huyện Phú Lương.

Tối ngày 17/11/2017, tại Lễ vinh danh các làng nghề chè, Ban tổ chức đã trao chứng nhận cho 6 làng nghề tiêu biểu xuất sắc năm 2017; trao 5 giải Nhất trong các cuộc thi cho các cá nhân, làng nghề tiêu biểu, xuất sắc…

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên