Lục Ngạn là huyện có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước với gần 15.300 ha, trong đó có 11.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 100 ha sản xuất theo quy trình Global GAP. Vụ vải thiều năm 2020, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tỉ lệ vải thiều ra hoa chỉ đạt 65%, ước sản lượng đạt 85.000 tấn.

Từ nhiều năm nay, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước nhờ chất lượng quả vải  ngon, thơm, ngọt nổi trội. Để giúp nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện đã chủ động xây dựng 3 phương án tiêu thụ vải thiều trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Và hiện nay, huyện đang thực hiện theo phương án 2 với kịch bản: Dịch Covid – 19 được kiểm soát nhưng chưa hết dịch.

Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương nên đến nay, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của nhân dân đã diễn ra khá thuận lợi, người dân thu hoạch vải đến đâu bán hết ngay đến đó với giá cả đạt cao.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tính đến hết ngày 21/6/2020, huyện Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ được 29.280 tấn vải, trong đó có 21.342 tấn vải sớm và gần 8.000 tấn vải thiều chính vụ. Giá bán dao động từ 12.000 - 35.000 đồng/kg, trong đó vải sớm Thanh Hà được giá từ 26.000 - 35.000 đồng/kg; vải thiều có giá từ 12.000 - 32.000 đồng/kg, tùy chất lượng quả.

Trên địa bàn huyện hiện nay đã có 224 điểm cân vải thiều cố định tại trung tâm các xã, thị trấn và hàng trăm điểm cân lưu động (xe cóc) giúp cho việc thu mua vải thiều thuận lợi. Đến nay, đã có tổng số 57 thương nhân Trung Quốc thực hiện xong việc cách ly y tế 14 ngày (vẫn được giám sát và kiểm tra theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo), họ đang trực tiếp giám sát việc thu mua vải thiều tại các điểm cân trên địa bàn huyện để đưa về Trung Quốc tiêu thụ.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 21/6, tại khu vực Cầu Cát - thị trấn Chũ có hàng chục điểm cân vải thiều lớn, nhỏ hoạt động thu mua vải thiều diễn ra tấp nập, giá thu mua vải thiều dao động từ 12.000 - 20.000 đồng/kg; vải lai Thanh Hà từ 22.000 - 26.000 đồng/kg.

Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi tại thị trấn Chũ

 

Gia đình anh Đỗ Văn Hùng, tổ dân phố Nhập Thành, thị trấn Chũ có hơn 1 mẫu vải thiều, vụ này cho thu hoạch khoảng 7 tấn quả. Thời điểm này, gia đình anh đã thu hoach và tiêu thụ xong 2 tấn vải sớm Thanh Hà và U hồng với giá bán khá cao. Thời điểm này, anh Hùng đang bắt đầu bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ. Anh cho biết: Việc tiêu thụ vải thiều diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng trừ lùi cân.

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xã Hồng Giang là tiểu thương đặt điểm thu mua vải thiều tại thôn Trung Nghĩa, thị trấn Chũ, mỗi ngày điểm cân nhà anh thu mua 12 tấn vải để tiêu thụ tại Thành Phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc thu mua vải thiều có trừ lùi cân là do thỏa thuận giữa người bán và người mua chứ không phải ép buộc.

Đó là hoạt động thu mua vải thiều tại khu vực thị trấn Chũ, còn tại khu vực xã Hồng Giang, nơi có chất lượng quả vải thiều tốt hơn thì tiểu thương thu mua vải thiều với giá cao hơn, dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg với vải thiều chính vụ và từ 20.000 – 32.000 đồng/kg vải lai Thanh Hà.

Còn vải thiều chính vụ, được người dân sản xuất theo quy trình Global GAP tại các khu vực xã Hộ Đáp và Tân Sơn… luôn tiêu thụ thuận lợi và bán được giá cao từ 30.000 đồng/kg trở lên.

Như vậy, có thể nhận thấy, cùng là vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhưng nơi được đầu tư chăm sóc tốt, chất lượng quả vải cao hơn thì bán được giá cao hơn, còn nơi không chăm sóc được thì có giá thấp hơn. Cùng với việc bảo đảm an ninh trật tự và ATGT, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề phụ trợ, dịch vụ chính trong vụ vải thiều hoạt động hiệu quả. Điển hình việc sản xuất thùng xốp, đá cây luôn bảo đảm về số lượng với giá cả phù hợp nhằm phục vụ cho tiêu thụ vải thiều.

Đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu được gần 14.000 tấn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, có 25,5 tấn được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ thu mua tại tổ sản xuất vải thiều xuất khẩu xã Hộ Đáp và Tân Sơn để xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Autra lia, Canada…; Tập đoàn vina T&T Group mua 20 tấn vải thiều tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam thu mua xuất khẩu 9 tấn vải thiều tươi sang thị trường Singapore, 1,4 tấn vải thiều cắt cuống sang thị trường Nhật Bản.

Cùng đó, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty cổ phần XNK Toàn Cầu và một số đơn vị chế biến khác đã thu mua trên 300 tấn để tách cùi, ép nước, đóng lon; vải sấy khô trên 100  tấn…

Có thể thấy, cùng với sự vào cuộc của các cấp các ngành, đến nay việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện diễn ra thuận lợi. Dự kiến vụ vải thiều tại Lục Ngạn sẽ kéo dài đến hết tháng 7 năm 2020.

Đức Thọ

Trung tâm Văn hóa – TT&TT Lục Ngạn, Bắc Giang