Ngày 20.5, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” tại tỉnh Phú Yên. Đến nay, đề án đã được triển khai ở 3 tỉnh trọng điểm là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Cá ngừ luôn được duy trì giá trên 100.000 đồng/kg

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), sau thời gian triển khai đề án tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, các chủng loại sản phẩm CNĐD đã bắt đầu đa dạng, gồm CNĐD đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp,… Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam năm 2016 đạt hơn 509 triệu USD.

Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết theo chuỗi. Điển hình, Công ty TNHH Thịnh Hưng (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang liên kết sâu sắc với Tổ hợp tác (THT) nghề cá Phước Đồng, bắt đầu giải được bài toán “được mùa, mất giá”. Theo ông Trần Văn Đạt - Tổ trưởng THT Phước Đồng, hơn 6 tháng triển khai liên kết với Thịnh Hưng, các tàu thành viên đã thực hiện được 324 chuyến biển, sản lượng khai thác bình quân đạt 1,5 tấn/tàu/chuyến.

“Hợp đồng tham gia chuỗi liên kết, các tàu CNĐD được hỗ trợ vốn, hướng dẫn công nghệ khai thác mới và cam kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài thu mua theo giá thị trường, Thịnh Hưng còn hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô cá ngừ sau khai thác có 10% sản phẩm đạt loại A” - ông Đạt nói.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng Huỳnh Đắc Trí, nhân viên kỹ thuật của đơn vị luôn túc trực ở cảng để phân loại cấp cá để mua theo từng giá khác nhau. Sau đó, kết quả chất lượng sản phẩm từng tàu cá được niêm yết công khai, báo cáo cụ thể với cơ quan chức năng.

Ông Trí thông tin, hiện Thịnh Hưng mua CNĐD với giá 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với năm trước. Và chất lượng CNĐD trong chuỗi đã tăng 15 - 20% so với thời điểm chưa hợp đồng liên kết với ngư dân.      

“Cuộc chơi” còn nhiều khốc liệt

Tại cuộc đối thoại sơ kết 2 năm thực hiện đề án trên do Bộ NNPTNT tổ chức ở Phú Yên ngày 20.5, rất nhiều ý kiến “nảy lửa” đã được bộc bạch. Ngư dân Lê Thái Bình (TP.Tuy Hòa, Phú Yên) nhìn nhận, việc trang bị công nghệ mới cho nghề câu CNĐD hiện quá sức tản mạn. “Ngư dân thiếu vốn đầu tư, nên chỉ một số ít được DN trong chuỗi tiến hành trang bị. Nhưng câu cá tốt về bờ lại bị mua đổ đồng với các loại cá kém chất lượng, vì thế một số tàu cứ an phận làm “kiểu cũ” cho… đỡ mất công”- ngư dân Bình nói.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhìn nhận: “Nhiều người cứ than thở thiếu tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Thế nhưng khoảng cách các tàu đánh bắt trên biển rất xa nhau, nếu sắm tàu đi mua gom thì không khả thi”.

Ông Nguyễn Hưng Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Phú Yên) nói: “Chúng tôi cũng mua cá trong sự cạnh tranh khốc liệt, không thể tự ý mua giá thấp. Các tổ tàu thuyền cũng nên bàn lịch cập cảng rải đều, tránh tình trạng cá bị xuống cấp trong khi chờ đợi đến lượt cân, mua”.

Chủ trì đối thoại, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra những tín hiệu giá trị bước đầu và “những khoảng cách còn lại” phải chinh phục. “Thực tế, một số chuỗi hiệu quả đã khẳng định sự năng động và trách nhiệm của DN - ngư dân trong làm ăn liên kết. Song nhìn chung, tính chất liên kết của nhiều mô hình vẫn còn rời rạc và sự lan tỏa chưa cao, chưa phát huy hết năng lực DN và ngư dân khai thác CNĐD. Hiệu quả kinh tế liên kết vẫn còn cách biệt quá xa so với tiềm năng thực tế. Vì thế, thu nhập từ ngư dân đến DN đều bị “kéo tụt”, trong đó, thu nhập thấp nhất là ngư dân”- ông Cường đánh giá.  

Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh: Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải rà soát lại các chính sách liên quan đề án trên, tổng kết sâu từng mô hình liên kết trên biển, khai thông cơ chế phát triển ngành CNĐD Việt Nam. Cùng với nâng chất xuất khẩu, các bên liên quan cần tập trung hướng đến chế biến, tiêu thụ CNĐD tại “sân nhà”. Bởi lượng du khách đến Việt Nam đang tăng ổn định, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm CNĐD của người Việt cũng đang tăng cao.

Theo danviet.vn