Về thị trường xuất khẩu, CPTPP, Mỹ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc là 5 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm tới 74,23% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Dịch Covid-19 đang lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là ở thị trường Trung Quốc, giảm tới 48,84% so với 2 tháng đầu năm 2019 và thị trường này hiện chiếm 6,15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giảm mạnh so với tỷ trọng 10,85% của cùng kỳ năm 2019. Tuần cuối tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ vẫn còn chậm.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP giảm 4,29% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường Mexico, Singapore, New Zealand, Chile, Brunei giảm mạnh thì xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada, Australia lại tăng nhẹ.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ tăng 0,8% trong 2 tháng đầu năm 2020, chiếm 17,97% tổng trị giá xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam, tăng so với tỷ trọng 16,08% của cùng kỳ năm 2019.

Việc dịch Covid-19 lan rộng và bùng phát trên toàn cầu sẽ tác động tới xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản tại những thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam thay vì sử dụng nhiều các sản phẩm tươi sống như trước đây, người tiêu dùng sẽ tăng nhu cầu đối với các hàng thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà, những sản phẩm thủy sản đóng hộp sẽ được ưa chuộng.

Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU chắc chắn sẽ chậm lại và sẽ hồi phục khi dịch Covid-19 kết thúc. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020 cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Theo cam kết trong Hiệp định, khi EVFTA có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm. Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là hiện hữu, khi dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang được kiểm soát và cuộc sống của người dân Trung Quốc đang dần trở lại bình thường.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi sự hồi phục của các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…, thì doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới song song với phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời.

Về mặt hàng xuất khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 245,6 nghìn tấn, trị giá 998,8 triệu USD, giảm 6,67% về lượng và giảm 10,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giảm mạnh xuất khẩu ở các mặt hàng cá tra, basa, mực, surimi, bạch tuộc, cá khô … và tăng xuất khẩu các mặt hàng tôm, cá đông lạnh, cá ngừ các loại, cua, cá đóng hộp…

Hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh chủ yếu do xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch Covid-19. Nguyên nhân do Trung Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ cá tra của Việt Nam (chiếm 35%), nên dịch Covid19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm mạnh 41,2% về lượng và giảm 55,6% về trị giá trong 2 tháng đầu năm. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ, EU cũng giảm

 Trong khi xuất khẩu cá tra giảm mạnh thì xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng nhẹ 2,72% về lượng và tăng 2,78% về trị giá, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… vẫn tăng khá trong khi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, ASEAN… giảm.

BBT (th)