Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hội thảo là cơ hội để cho người làm công tác quản lý liên quan đến nguồn lợi thủy sản của các địa phương có dịp trao đổi, thảo luận về việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn đang được thực hành trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng của việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam) trong nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, việc áp dụng bộ tiêu VietGAP được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nghề nuôi thủy sản, giúp cho nghề nuôi phát triển bền vững; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu. Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ có 30% cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh, các mô hình nuôi cải tiến đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 sẽ là 80%. Trong thực tế, ngoài bộ tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi cũng đã ứng dụng một số bộ tiêu chuẩn khác như: ASC, GlobalGAP, BAP… Việc có quá nhiều bộ tiêu chuẩn không chỉ làm rối cho người nuôi thủy sản mà ngay cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy lúng túng trong việc định hướng, hướng dẫn người nuôi thủy sản nên áp dụng theo bộ tiêu chuẩn nào cho hiệu quả.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đến từ ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, người nuôi các tỉnh, thành phố đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển của nghề nuôi thủy sản; áp lực của các yếu tố môi trường, thời tiết đến nghề nuôi; những thuận lợi và khó khăn của việc áp dụng VietGAP trong nuôi tôm thâm canh; giải pháp thúc đẩy và công nhận lẫn nhau giữa VietGAP và các chứng nhận khác…
Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, hội thảo đã xác định được mối tương đồng, tương quan của các bộ tiêu chuẩn, khả năng chia sẻ thị trường và khả năng phối hợp và công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn để từ đó giúp cho ngành nuôi thủy sản Việt Nam thời gian tới có những bước tiến quan trọng; trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe động vật thủy sản, phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Theo Tổng Cục Thủy sản, trong năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản cả nước vẫn có những bước tiến vượt bậc. Theo số liệu ước tính của năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt trên 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so với năm 2012. Trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 2,7 triệu tấn; nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn. Hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra đạt trên 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi là 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi là 666.000 ha. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi lẫn sản lượng. Các sản phẩm của nghề nuôi đã có những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh những thuận lợi, nông dân vẫn đang gặp phải những khó khăn về nguồn cung cấp giống, giá vật tư tăng nhanh, áp lực về môi trường, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.

Theo TTXVN