Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, chăn nuôi gia cầm đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam. Đây là nghề có ưu thế thời gian nuôi ngắn, quay vòng vốn nhanh, vốn đầu tư cho chăn nuôi không nhiều, có thể tận dụng được các phụ phẩm để làm thức ăn cho gia cầm, tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi... Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì dự án về cung cấp giống gia cầm tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới miền núi phía Bắc với mục tiêu nhằm cung cấp con giống gia cầm tại chỗ; đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn giống, góp phần giảm tỉ lệ gia cầm nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Đồng thời còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho các cơ sở sản xuất giống và kỹ thuật chăn nuôi cho hộ chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đến nay, dự án đã xây dựng các cơ sở ấp trứng gia cầm, hỗ trợ máy ấp, máy nở và con giống gia cầm bố mẹ để đảm bảo cung cấp con giống thương phẩm đáp ứng nhu cầu giống tại chỗ cho người chăn nuôi.

Ê kíp tham gia chương trình 

Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi được TS. Hạnh giải đáp trực tiếp tại chương trình để bạn đọc tham khảo và có thể áp dụng trong quá trình chăn nuôi tại gia đình.

Anh Hưng (Hải Dương) hỏi: Gia đình tôi có nuôi gia cầm thịt bằng cách nuôi gốc, gia cầm có biểu hiện lù rù, không ăn, biểu hiện bệnh cả nửa tháng rồi mới chết. Xin hỏi chuyên gia là bệnh gì?          

Trả lời: Gà có biểu hiện lù rù, không ăn trong nửa tháng có rất nhiều nguyên nhân. Để xác định được nguyên nhân, trước tiên, anh nên cách ly những con gà ốm với những con gà khỏe mạnh. Sau đó, anh cần kiểm tra độ ấm trong chuồng và cả thức ăn, nước uống. Đặc biệt, do gà ủ bệnh trong thời gian dài, chuyên gia khuyến cáo anh nên gặp trực tiếp các cán bộ thú ý hoặc khuyến nông viên xã để tư vấn trực tiếp về vấn đề này hiện nay. Tuy nhiên trong các hướng dẫn hiện nay, khuyến cáo anh Hưng và bà con nông dân chú ý tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề tiêm phòng các loại vắc xin đạt chất lượng, cộng với sự tư vấn thêm của các cán bộ thú y địa phương thì sẽ mang hiệu quả cao cho bà con chăn nuôi.

Một thính giả ở Điện Biên có hỏi, tôi dự định nuôi úm 100 con gà sinh sản, vậy phải chuẩn bị lồng nuôi úm như thế nào?

Trả lời: Chuyên gia nhấn mạnh, trước hết gia đình bác có thể chuẩn bị lồng úm gồm: cót quây cao 0,5 m, chiều dài 4 – 4,5m cho 100 gà sinh sản. Đặc biệt, người chăn nuôi cần có chụp sưởi, có thể sử dụng 2 bóng điện 75w hoặc 01 chụp sưởi/1 quây hoặc có thể dùng bóng hồng ngoại tạo ra độ ấm cho gà 1 ngày tuổi. Đảm bảo có bạt che kín chuồng và bạt che trên lồng úm, có thể sử dụng đệm lót bằng trấu hoặc phôi bào khô và phải được phun khử trùng. Đồng thời chuyên gia khuyến cáo, chuẩn bị đầy đủ máng ăn, máng uống: Trong 1 – 3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3x50x80cm cho 100 gà con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng tròn. Giai đoạn: 1 – 2 tuần tuổi sử dụng chụp nước uống bằng nhựa 3,5 – 4 lít cho 50 – 100 gà con, cũng như sử dụng những yêu cầu đảm bảo về an toàn sinh học trong vấn đề chăn nuôi bắt đầu cho giai đoạn đầu tiên của con gà khi đưa vào úm.

Nhà tôi nuôi 300 con gà, nhưng gần đây đàn gà hay mổ nhau. Vậy xin hỏi chuyên gia đó là hiện tượng gì?

Trả lời: Trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận được rất nhiều các câu hỏi về vấn đề hiện tượng gà mổ cắn nhau. Hiện tượng gà mổ cắn nhau do rất nhiều nguyên nhân có thể do di truyền, môi trường hoặc dinh dưỡng.

Thứ nhất, nếu nuôi mật độ gà quá lớn, thì hiện tượng gà mổ cắn nhau thường xảy ra, hiện nay chuyên gia khuyến cáo nên nuôi gà với mật độ 8 con/m2, như vậy đảm bảo mật độ vừa phải thì hiện tượng gà mổ cắn nhau cũng giảm đi.

Thứ 2, chuồng nuôi quá nóng thì gà cũng có hiện tượng mổ cắn nhau vì nhạy cảm với nhiệt độ chuồng nuôi.

Thứ ba là do chuồng nuôi quá sáng, ánh sáng mạnh và quá dài thì kích thích hiện tượng mổ cắn nhau.

Hoặc có thể do thiếu thức ăn và nước uống gà cũng có thể mổ cắn nhau để tranh giành thức ăn và nước uống. Những con gà bị yếu có thương tích có vết máu, vết thương thì cũng kích thích bùng nổ hiện tượng mổ cắn nhau trong đàn.

Cũng có lý do xuất phát từ dinh dưỡng, nếu khẩu phần mất cân đối, bà con nên bổ sung các nguyên tố vi lượng như chất khoáng để cân đối khẩu phần thức ăn.

Có một nguyên nhân nữa mà nhiều bà con nông dân chưa để ý lắm đó là có thể ta nuôi trộn lẫn nhiều lứa tuổi gà, giống gà khác nhau nhược điểm này kích thích tính tò mò của đàn gà dẫn đến mổ cắn nhau. Trong đàn gà có những con gà bị tàn tật hay bị què, hay thương tích thường là những nhân tố gây kích thích hiện tượng mổ cắn nhau rất nhiều.

Đặc biệt, hôm nay chuyên gia tư vấn cho bà con nuôi gà sinh sản, ở những chuồng gà đẻ, ổ đẻ sáng quá hoặc thiếu ổ đẻ cũng gây hiện tượng gà mổ cắn nhau. Vì vậy, khuyến cáo bà con nông dân trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà sinh sản chúng ta cần chú ý số lượng ổ đẻ cho đàn gia cầm sinh sản, thường 01 ổ/05 con gia cầm sinh sản, đảm bảo số lượng ổ cũng giảm hiện tượng mổ cắn nhau trong đàn gà sinh sản.

Thính giả tên là Thái ở Bắc Ninh chia sẻ, hiện nay gà giống ở biên giới đưa về nhưng bị tiêu hủy, tại sao không tiêm phòng rồi theo dõi và đưa cho dân nuôi, có đỡ phí hơn không?

Trả lời: Thời gian qua, hiện tượng gia cầm nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn rất kịp thời. Gà nhập lậu ở biên giới đưa về nếu bị bắt sẽ bị tiêu hủy, vì thực tế các loại gà này thường không có nguồn gốc rõ ràng, không rõ được đã được tiêm phòng chưa, có thể sẽ mang một số mầm bệnh mà chưa đến thời điểm biểu hiện ra bên ngoài. Vì vậy nếu chúng ta để lại nuôi sẽ gây nguy cơ những mầm bệnh cúm gia cầm sẽ tràn vào nước ta. Theo yêu cầu của công tác thú y, để ngăn chặn mầm bệnh ngay từ đầu thì tốt nhất là tiêu hủy. Khuyến cáo, bác Thái nên mua những con giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bởi nếu người chăn nuôi nuôi những con giống không có nguồn gốc rõ ràng không chỉ làm ảnh hưởng đến đàn gia cầm của gia đình, mà còn ảnh hưởng đến đàn gia cầm trong địa bàn khu vực làng, xã của mình. Nếu xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi chính là người chịu tổn thất lớn nhất.  

Hỏi: Nuôi dưỡng gia cầm sinh sản được chia làm mấy giai đoạn và cần chú ý đặc điểm như thế nào?

Trả lời: Nuôi gia cầm sinh sản được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn con (0 – 6 tuần), giai đoạn dò hậu bị (7 – 20 tuần), và giai đoạn sinh sản (trên 20 tuần).

Ở giai đoạn 0 – 6 tuần tuổi, bà con cần phải chú ý nhất đến việc úm gà. Nhiệt độ chuồng úm đảm bảo không để gà bị lạnh sẽ dễ mắc bệnh. Có thể xác định nhiệt độ thích hợp thông qua hành vi của gà: Nếu đàn gà tản đều khắp quây và ăn uống bình thường là nhiệt độ thích hợp. Nếu đàn gà tụm lại dưới chụp sưởi là thiếu nhiệt cần phải tăng nhiệt, quây kín hơn. Nếu đàn gà tản ra xung quanh lồng úm, khát nước kêu nháo nhác là thừa nhiệt, phải nới rộng quây và treo cao chụp sưởi. Thức ăn chú ý đảm bảo dinh dưỡng Protein từ 20 – 22% và năng lượng 2.800 – 2.900Kcal/kg thức ăn. Giai đoạn này cho gà ăn tự do.

Đến giai đoạn gà hậu bị, trước 20 tuần tuổi, việc cho ăn hết sức quan trọng. Bà con cần chú ý hạn chế lượng ăn để khống chế khối lượng cơ thể đạt chuẩn so với yêu cầu của giống. Tùy theo giống mà có hướng dẫn cụ thể bà con nên tham khảo tài liệu hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trong giai đoạn này không cho gà uống nước tự do mà cho uống theo tỷ lệ với thức ăn, thường là 2 nước/1 thức ăn vì hạn chế gà đói sẽ uống nước nhiều gây hiện tượng no sinh lý. Tuy nhiên, về mùa hè nhiệt độ môi trường cao cần chú ý cho gà uống nước đủ và cần bổ sung thêm Vitamin C và chất điện giải để chống nóng ngay từ đầu giờ sáng.

Một giai đoạn quan trọng nữa là chăm sóc gia cầm đẻ. Giai đoạn này ngoài việc chú ý đến thức ăn, nước uống cần chú ý chế độ chiếu sáng. Thời gian chiếu sáng phải đảm bảo 16 giờ/ngày. Do đó, cần lắp thêm bóng điện ở chuồng nuôi. Tỷ lệ ghép trống/mái thường từ 1/8 – 1/10. Ổ đẻ được phân bố đều trong chuồng nuôi. Số lượng ổ đẻ cho 5 mái/ổ để tránh gà chen lấn làm vỡ trứng. Đặt ổ đẻ ở chỗ ít ánh sáng, ít tiếng động và đảm bảo thông thoáng. Nên dùng phôi bào khô sạch để lót ổ đẻ.

Thính giả Hồng ở Bắc Ninh hỏi, nuôi gà J -Dabaco để gây đẻ làm gà sinh sản có được không?

Trả lời: Hiện nay, ở Bắc Ninh có tập đoàn Dabaco cung cấp một số giống gà ri đưa vào nuôi. Thực tế gà nuôi thương phẩm và gà giống có đặc tính rất khác nhau. Vì vậy, để gây từ gà thương phẩm làm gà đẻ chuyên gia không khuyến cáo vì không đảm bảo được các tỷ lệ đẻ cũng như tỷ lệ trứng, cũng như số con sơ sinh .... Để nuôi sinh sản, chúng ta cần mua đúng gà giống sinh sản, nếu nuôi từ gà thương phẩm lên gà sinh sản thì hiệu quả đạt được sẽ không như ý muốn.

Hỏi: Để gia cầm phát triển khỏe mạnh, an toàn thì vấn đề vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh rất quan trọng. Xin chuyên gia cho biết, việc vệ sinh chuồng trại cần được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Vệ sinh chuồng trại là vấn đề hết sức quan trọng như đã nói ở trên. Trước khi đưa gia cầm vào nuôi, bà con cần chuẩn bị chuồng trại chăn nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi nên xây chuồng nuôi ở nơi cao ráo, thoát nước, thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hạn chế gia cầm tiếp xúc với môi trường xung quanh. Nền chuồng láng bằng xi măng và sử dụng nhiều chất liệu làm đệm lót trong chăn nuôi. Thường xuyên quét mạng nhện, bụi bẩn trên tường, lưới và mái chuồng. Tiến hành diệt chuột, côn trùng và xua đuổi chim hoang, làm sạch khu vực chăn nuôi. Với vệ sinh trong chăn nuôi, khuyến cáo việc xây dựng những chuồng nuôi có hệ thống thoát nước theo đúng yêu cầu của vệ sinh thú y, có khu vực xử lý xác gia cầm ốm chết, đặc biệt sử dụng phun thuốc sát trùng định kỳ theo yêu cầu hướng dẫn của thú y. Hạn chế khách tham quan, có những hố sát trùng trước khi vào chuồng nuôi. Thường xuyên ghi chép chăn nuôi, đảm bảo cho những lứa chăn nuôi sau phát triển tốt.

TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm KNQG trực tiếp giải đáp câu hỏi của bà con nông dân tại Chương trình 

   Hỏi: Để chăn nuôi tránh được dịch bệnh, nuôi gà an toàn sinh học, việc phòng bệnh cúm gia cầm và các bệnh khác cần phải được chú trọng như thế nào?  Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề gì để phòng được bệnh?

Trả lời: Để phòng bệnh trong chăn nuôi gia cầm nói chung và phòng bệnh cúm gia cầm nói riêng, bà con cần chú ý các vấn đề sau:

 Trước tiên, phải mua giống ở những cơ sở đạt tiêu chuẩn, được tiêm phòng vắc xin và có miễn dịch ngay từ những ngày đầu. Chuẩn bị khu vực chăn nuôi đạt tiêu chuẩn cũng như đảm bảo các vấn đề về thức ăn, nước uống, chất độn chuồng và những vấn đề liên quan đến vệ sinh thú y như vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, kiểm tra sức khỏe đàn gia cầm. Đặc biệt, khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra đàn gia cầm vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, tiếng kêu, mắt mũi, trạng thái phân của đàn gia cầm. Nếu đàn gia cầm có biểu hiện khác thường, động tác đầu tiên là phải cách ly những con ốm, sau đó theo dõi đàn gia cầm ốm, nếu thời gian mắc bệnh kéo dài cần báo ngay cho cơ quan thú đến để xác định dịch bệnh và đảm bảo cho bà con chăn nuôi hiệu quả.

Thính giả ở Yên Bái hỏi, Chúng tôi muốn xin địa chỉ mua giống gà đông tảo đạt chất lượng?

Trả lời: Anh chị có thể mua giống gà đông tảo đạt chất lượng tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (địa chỉ: xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) - đơn vị được phép cung cấp con giống gà đông tảo. Tuy nhiên, ngoài con giống tốt, bà con cần có kỹ thuật chăn nuôi đạt yêu cầu, bà con có thể xin tư vấn thêm cán bộ khuyến nông ở các địa phương về kỹ thuật chăn nuôi chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi gà đông tảo nói riêng để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả.

Một thính giả hỏi, tôi nuôi gà đẻ nhưng việc tiêm phòng có ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng trứng không?

Trả lời: Thực tế, việc tiêm phòng không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng trứng mà còn đảm bảo cho đàn gia cầm của chúng ta trước vấn đề dịch bệnh. Tuy nhiên, khi tiêm phòng, để tránh cho đàn gà bị stress, bà con cần phân nhỏ đàn gà để tiêm, có thể tiêm vào ban đêm để giảm stress cho gà.

Hải Đường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia