Vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi cá trên dòng Nậm Mu

Thuyền của ông Hoàng Văn Tiến đưa chúng tôi ra giữa lòng hồ thủy điện Bản Chát, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), vút tầm mắt nhìn bao quanh chỉ thấy bốn bề núi rừng trùng điệp, thấp thoáng những rừng cao su đang phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất Tây Bắc. Phía dưới, dòng nước xanh ngắt với những con sóng lăn tăn đập nhẹ vào mạn thuyền, xa xa là lồng bè nuôi cá của người dân xã Mường Cang, Mường Kim cũng dần hiện ra.

Anh Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên nói với tôi, sông Nậm Mu chảy qua địa bàn huyện với chiều dài 160 km, và được xem là nguồn năng lượng thuận lợi cho việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở địa phương. Kể từ năm 2006, khi ngăn dòng Nậm Mu để khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Chát, nước dâng lên cao hàng chục mét đã tạo ra hệ thống lòng hồ kỳ vĩ như bây giờ.

Sau gần 20 phút thưởng ngoạn cảnh đẹp trên lòng hồ, thuyền của chúng tôi cập bè của anh Hoàng Văn Xuân, xã Mường Cang. Chia sẻ với tôi, anh Xuân nói: "Trước đây khi chưa có lòng hồ thủy điện Bản Chát, người dân sống ven sông Nậm Mu chỉ biết đánh cá, bắt con tôm, con tép kiếm kế sinh nhai qua ngày. Đời sống của đồng bào người Thái, Khơ Mú gặp nhiều khó khăn lắm".

Nhưng từ khi Nhà nước xây dựng nhà máy thủy điện Bản Chát, nước dâng lên cao thành lòng hồ rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thả nuôi cá lồng. Ban đầu chưa quen nên còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng giờ đây phương pháp nuôi cá lồng của người dân đã thuần thục, bài bản và khoa học hơn rất nhiều.

Nhà anh Xuân hiện đang thả hơn 20 lồng cá, nuôi các loài cá đặc sản như: cá lăng, cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá diêu hồng... và giống cá rô phi vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ theo Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đảm bảo an toàn thực phẩm bằng lồng trên sông và hỗ chứa năm 2022".

Anh Xuân cho biết, khi tham gia dự án, anh được hỗ trợ con giống, thức ăn và men vi sinh. Đặc biệt, gia đình anh còn được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên tập huấn kỹ thuật, tư vấn phòng trị bệnh cho cá cặn kẽ... nên anh rất tự tin vào sự thành công của mô hình nuôi cá rô phi trên lòng hồ thủy điện Bản Chát.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên (đơn vị thực hiện dự án), đến nay, 40.000 con cá rô phi của gia đình anh Xuân đang phát triển rất tốt. Trọng lượng trung bình của cá đạt 550 gam/con, tỷ lệ sống đạt trên 95%.

"Sau khi được hỗ trợ con giống, thức ăn, men vi sinh cùng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, mô hình sẽ góp phần giúp người nuôi cá lồng bè trên lòng hồ có động lực, tự tin hơn trong việc đầu tư những đối tượng nuôi mới có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao hơn, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng”, anh Xuân phấn khởi cho biết.

Anh Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cũng chia sẻ, mô hình sẽ giúp tăng thu nhập cho các hộ trực tiếp tham gia, tạo nguồn thực phẩm an toàn chất lượng cao cho cộng đồng và mở hướng làm ăn mới phù hợp với nông dân vùng cao có thu nhập ổn định, ít bị rủi ro, ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.

leftcenterrightdel
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra mô hình "Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đảm bảo an toàn thực phẩm bằng lồng trên sông và hỗ chứa năm 2022" tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu 

Phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với du lịch cộng đồng

Kiểm tra mô hình nuôi cá rô phi bằng lồng trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩmcủa hộ gia đình anh Xuân và chị Lò Thị Dung tại xã Mường Kim và Mường Cang, huyện Than Uyên, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, kết quả các dự án được tuyên truyền, nhân rộng nhằm phát triển tốt nghề nuôi cá lồng trên sông hồ tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống cho người nông dân, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Thanh cũng gợi mở cho người dân, ngoài việc triển khai thực hiện tốt mô hình thì cần gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái trên lòng hồ, từ đó tạo sức lan tỏa, thu hút khách du lịch đến thăm quan, khám phá bản sắc văn hóa và thưởng thức đặc sản cá lòng hồ.

Tương tự, tại tỉnh Điện Biên, kiểm tra mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho hay, mô hình sẽ là "cầu nối" chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng trên hồ đập. Qua đó nhằm tận dụng mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm chi phí thức ăn, công lao động, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, tăng tỷ lệ sống của cá, tạo sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế so với cách nuôi truyền thống cho người dân.

   Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đảm bảo an toàn thực phẩm bằng lồng trên sông và hồ chứa năm 2022" được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại huyện Than Uyên, có tổng quy mô thực hiện (400m3/4 lồng) trong năm 2022, với 4 hộ tham gia. Kết quả, đã thực hiện 400m3 lồng/4 lồng, trong đó, xã Mường Kim 20m3/2 lồng/2 hộ tham gia; xã Mường Cang 200m3 lồng/2 lồng/2 hộ tham gia.  

Theo Dân Việt

Link bài viết