Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam, số lượng gà công nghiệp đẻ trứng và lợn nái được nuôi trong các lồng, cũi, chuồng ngày càng gia tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 81 triệu gà đẻ trứng với lồng nuôi phổ biến thường nuôi nhốt khoảng 5 - 10 con gà.

Ngoài ra còn có khoảng 2,4 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam và heo nái thường được nuôi công nghiệp trong các lồng (cũi nái) bằng kim loại.

Điều kiện chăn nuôi phổ biến nói trên có thể trở thành thách thức và rào cản khi thực thi các cam kết phúc lợi động vật, để sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế khó tính như Anh, châu Âu, Nhật, Mỹ… vốn đều có yêu cầu riêng về việc các sản phẩm từ động vật phải đảm bảo "phúc lợi động vật".

Trong bối cảnh đó, từ góc độ quản lý Nhà nước, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, đẩy mạnh truyền thông là một trong các giải pháp để phổ biến vấn đề phúc lợi cho động vật trong chăn nuôi. Đặc biệt, Chứng nhận Nhân đạo (Certified Humane) cũng cần quảng bá mạnh mẽ hơn bởi hiện tại chứng nhận này chưa được công nhận rộng rãi tại ở Việt Nam.

Hiện nay, theo TS. Hạ Thúy Hạnh, chưa có nghiên cứu có sẵn nào có các chỉ số để làm rõ sự khác biệt giữa kiểm soát chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo phúc lợi động vật và các sản phẩm thông thường.

“Ở Việt Nam hiện nay chỉ số đánh giá giết mổ tập trung rất thấp. Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2030 tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu, chỉ số đánh giá giết mổ tập trung 60%. Đây được xem là chỉ số quan trọng để xây dựng thể chế chính sách bắt buộc cho các trang trại đảm bảo phúc lợi động vật trong đó có phần vận chuyển”, bà Hạnh nói thêm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm tới phúc lợi động vật.

“Phúc lợi động vật đã có trong thể chế Luật Chăn nuôi và Luật Thú y ban hành về vấn đề chăn nuôi giống, quy trình, giết mổ, vật nuôi làm thí nghiệm. Đây được xem là chính sách đem lại quyền lợi cho vật nuôi cũng như phù hợp với chăn nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu các sản phẩm nông sản thịt, trứng, sữa”, TS. Hạ Thúy Hạnh thông tin thêm.

Vấn đề này cũng là một trong các ý kiến chủ đạo được bàn tới tại buổi thảo luận Cải thiện chính sách đối với phúc lợi vật nuôi động vật nông trại tại Việt Nam hôm 2/10 vừa qua, do tổ chức HealthyFarm phối hợp với Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới, Liên minh Châu Á vì động vật (AfA) và dự án Shrimp Welfare Project tổ chức.

Nhiều thách thức về chăn nuôi nhân đạo

Cũng tại buổi thảo luận trên, bà Lê Thị Thanh Hiếu, phụ trách dự án HealthyFarm đại diện cho nhóm phúc lợi về gà đã chỉ ra những thách thức trong chính sách nhân đạo động vật của Việt Nam.

Theo bà Hiếu, các thách thức này đến từ tình hình dịch bệnh và tình trạng sử dụng kháng sinh. Vấn đề thức ăn, mật độ thả, diện tích nuôi ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nuôi gà đảm bảo phúc lợi, đòi hỏi người dân phải có kiến thức và kỹ thuật cao về đặc tính sinh lý vật nuôi cũng như biết cách chọn giống gà phù hợp.

Ngoài ra, việc kiểm soát phúc lợi gà con hậu bị cũng đang là vấn đề trong việc cấp chứng chỉ phúc lợi. Một thách thức khác đến từ quy định thức ăn chăn nuôi cho gà phải đảm bảo phúc lợi là không có nguồn gốc động vật như xương lợn, lông gà... Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chí phúc lợi động vật thường có chi phí cao hoặc rất khan hiếm trên thị trường.

Cùng với đó, bà Trịnh Liên Hương, điều phối dự án Shrimp Welfare Project, đại diện cho nhóm thảo luận về chính sách của tôm cho biết, việc lựa chọn tôm giống vừa khỏe mạnh, đảm bảo tỷ lệ sống của tôm con, vừa không ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn tôm trong tự nhiên và an sinh cho tôm là thách thức lớn hiện nay ở Việt Nam.

Vấn đề kiểm soát mật độ nuôi cũng đáng lưu tâm khi thực tế cho thấy, các hộ chăn nuôi vẫn giữ mật độ quá dày nhằm tối đa sản lượng. Đồng thời việc quản lý môi trường nuôi bao gồm chất lượng nước, tần suất vệ sinh ao nuôi và thức ăn cho tôm sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến chi phí nuôi.

“Một thách thức nữa liên quan đến chăn nuôi tôm là lỗ hổng trong chính sách khi luật quy định hiện hành chưa đề cập nhiều đến động vật thủy sinh, trong khi đó lại có quá nhiều tiêu chuẩn về đầu ra cho tôm. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho người nuôi tôm để đảm bảo khâu sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn đầu ra cho tôm”, bà Hương cho biết thêm.

Theo mekongasean