TTKNKN đã phối hợp với các trạm Khuyến nông của 3 huyện tiến hành đưa vào sản xuất các giống mía mới K84-200, K88-92. Đây là 2 giống mía có nguồn gốc Thái Lan, có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh tốt. Nhờ được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, hầu hết các hộ nông dân tham gia mô hình đã vận dụng và đầu tư thâm canh chăm sóc cây mía theo đúng quy trình được hướng dẫn, nên cây mía trong mô hình sinh trưởng và phát triển khá tốt. Mía nảy mầm sớm, đẻ nhánh khỏe, tập trung và phát triển nhanh, mật độ cây hữu hiệu cao, tỷ lệ sâu bệnh thấp. Năng suất mía tại thời điểm hiện nay (sau 7 tháng trồng) đạt trên dưới 100 tấn/ha.
TTKNKN Bình Định đã tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình. Đánh giá về kết quả mô hình tại ông Lê Thuấn, nông dân thôn 3 xã Bình Nghị cho thấy, so với giống mía R579 trồng trước đây, giống mía K88-92 nảy mầm tốt, đẻ nhánh mạnh phát triển nhanh, đặc biệt kháng sâu bệnh nhất là không có đốm lá và cây than. Năng suất giống mía K88-92 cao hơn R579 hơn 30 tấn/ha.
Điều đáng nói, bà con nông dân tham gia mô hình đã được cán bộ của TTKNKN hướng dẫn kỹ thuật trồng mía theo hàng đôi, hàng cách hàng từ 1,2-1,4 m, mật độ trồng là 14 tấn mía giống/ha (kể cả trồng dặm). Ông Lê Văn Quá, Phó trưởng trạm Khuyến nông Tây Sơn cho biết: “Việc trồng mía hàng đôi sẽ giúp tăng mật độ cây mía trên 1 đơn vị diện tích, do đó năng suất mía đạt cao hơn, giảm được chi phí làm cỏ, tạo thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí đầu tư”.
Tại các huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh, cây mía tại mô hình cũng đã sinh trưởng và phát triển khá tốt, phát huy được tiềm năng năng suất của giống nên được bà con nông dân tin tưởng. Với kết quả bước đầu của các mô hình, sau 3-4 tháng nữa cây mía tại mô hình mới đến thời điểm thu hoạch, năng suất có thể đạt từ 130-140 tấn/ha. Với giá mía đang được công ty CP đường Bình Định thu mua như hiện nay là 900.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mía sẽ có lãi từ 50-60 triệu đồng/ha mía. Kết quả này sẽ giúp người trồng mía yên tâm đầu tư phát triển các giống mía mới và áp dụng kỹ thuật trồng mía hàng đôi vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp phát triển vùng nguyên liệu mía một cách bền vững. Trong thời gian tới, TT KNKN tỉnh sẽ tiếp túc khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân nhân rộng mô hình này.
Phan Thanh Sơn - TTKNKN Bình Định