Sau khi khảo sát thực tế và trên cơ sở nhu cầu tham gia mô hình của người dân sản xuất tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đảm bảo tiêu chí yêu cầu của mô hình, tháng 10/2022, Viện đã tiến hành bàn giao hệ thống thiết bị sấy và vận hành chạy thử cho nhóm hộ thực hiện mô hình tại Khu 8 - xã Ngọc Đồng.

Mô hình được thực hiện với mục tiêu ứng dụng công nghệ sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng nhằm giảm tỷ lệ hư hao khi thu hoạch, nâng cao chất lượng ván bóc, cung cấp nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị gia tăng gỗ rừng trồng. Việc lựa chọn được thiết bị sấy phù hợp và xác định được chế độ sấy chuẩn xác cho từng loại gỗ ván bóc có vai trò quyết định đến các chỉ tiêu về chất lượng ván bóc sau sấy và đến công suất và chi phí sản xuất.

Mô hình ứng dụng công nghệ sấy và bảo quản ván bóc từ gỗ rừng trồng có thể đáp ứng công suất sấy đạt 10m3/mẻ (1 mẻ sấy băng chuyền = 1 ngày đêm), sản lượng ván bóc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tăng 20%, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với phương pháp truyền thống, công suất sấy và bảo quản đạt 10m3 ván bóc/mẻ/1 mô hình. Sản lượng trung bình sản xuất mô hình đạt khoảng 1.000 – 1.500m3 ván bóc/năm.  Ứng dụng công nghệ sấy các hộ chủ động được thời gian sản xuất, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao hiệu suất làm việc, năng suất lao động, giảm thời gian nông nhàn và người dân có thu nhập ổn định quanh năm. Giảm áp lực về công lao động trong khâu hong phơi ván trước tình hình thiếu lao động nông thôn tại các địa phương và thời tiết mưa nhiều.

Tại buổi bàn giao, cơ quan chuyển giao đã hướng dẫn các thành viên tham gia mô hình về kỹ thuật, nguyên lý hoạt động để chủ động sử dụng hiệu quả, đã vận hành chạy thử hệ thống thiết bị sấy hoạt động an toàn. Các đại biểu và nhóm hộ thực hiện mô hình đánh giá quá trình vận hành, sử dụng đơn giản, khả năng cơ giới hóa cao sẽ giúp tăng năng suất sản phẩm nên nếu mô hình thành công sẽ dễ dàng nhân rộng áp dung cho các cơ sản sản xuất hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Việc ứng dụng hệ thống sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa trên địa bàn hướng đến phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng công nghệ, bền vững.

leftcenterrightdel
 Vận hành chạy thử thiết bị sấy cho nhóm hộ thực hiện mô hình tại Khu 8

Trần Văn Quyết

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ