Theo một số “lão nông tri điền” ở địa phương cho biết: Dừa sáp là dừa hoang dã có nguồn gốc từ Phi – lip – pin. Khoảng những năm 1960, nhân một chuyến đi sang Cam – pu - chia, vị sư cả của chùa Chợ đã được thưởng thức trái cây này và được người dân ở địa phương cho giống về trồng. Từ đó, ở huyện Cầu Kè có giống dừa sáp. Về hình thức, thoạt nhìn bề ngoài, cây và trái dừa sáp không khác gì cây dừa ta. Điểm khác biệt duy nhất là phần cơm dừa của dừa sáp rất dày, chiếm hết phần ruột dừa, xốp, có mùi thơm đặc trưng. Người ta thường ăn dừa sáp bằng cách nạo cơm dừa cho vào ly, thêm sữa và đá, tạo nên một mùi vị tuyệt hảo. Giá cả dừa sáp khá đắt, từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/trái, nhất là vào những ngày lễ hội như lễ Vu Lan (vào tháng 7 âm lịch). Bình quân mỗi một cây dừa sáp cho thu họach hơn 2 triệu đồng một năm. Như vậy mỗi công đất trồng dừa sáp cho thu nhập hơn 32 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với một công đất trồng lúa.
Theo kinh nghiệm trồng dừa sáp của một số hộ nông dân thì muốn trồng dừa sáp đạt hiệu quả nên trồng chuyên canh và bố trí trồng giao tán thì qua quá trình thụ phấn chéo tỉ lệ đặc ruột sẽ cao. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân trồng dừa ở địa phương cho biết tỉ lệ dừa đặc ruột ngày một ít. Qua tìm hiểu từ cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, chúng tôi được biết: Dừa đạt tỉ lệ sáp ít do dừa ngày một lão hoá và nông dân chủ yếu nhân giống bằng cách để lại những trái tốt để làm giống.
Mới đây, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã thực hiện thử nghiệm thành công nhân giống dừa sáp bằng phôi giống. Sử dụng biện pháp này, tỉ lệ đặt ruột của dừa sẽ đạt 100%. Hiện nay những cây dừa được nhân giống bằng phương pháp này đã đưa về trồng thử nghiệm ở Cầu Kè. Viện cũng tiến hành một dự án khôi phục dừa sáp ở địa phương trên diện tích 6 ha. Bên cạnh đó, Sở khoa học – công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện một dự án trồng 50 ha dừa sáp ở 3 ấp Chông Nô I, Chông Nô II và Chông Nô III ở xã Hòa Tân. Hiện nông dân đã trồng được 15 ha. Để đảm bảo chất lượng dừa giống cho các hộ nông dân trồng, Sở đã giao cho anh Thạch Pu – Mi thực hiện nhân giống thông qua chuyển giao kỹ thuật của Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu. Đến nay anh đã giao cho nông dân trên 3.400 cây dừa sáp giống.
Anh Thạch Pu – Mi chia sẻ kinh nghiệm nhân giống dừa sáp của mình: “Muốn ươm giống dừa sáp có chất lượng trước hết phải chọn giống tốt, chọn trái giống là trái không sáp trong buồng dừa sáp, sau đó dạt mặt rồi đặt vào bao có đựng phân chuồng. Bao luôn phải được giữ ẩm trong 2 tháng thì dừa sẽ đâm chồi, đến khi cây phát triển mạnh thì đem trồng”.
Để phát triển giống dừa này một cách bền vững, huyện Cầu Kè đã quyết định thành lập Hợp tác xã Dừa sáp ở xã Hòa Tân với 24 thành viên góp vốn 25 triệu đồng. Hợp tác xã có chức năng phát triển, nhân giống dừa sáp thành vùng chuyên canh, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và xây dựng thương hiệu dừa sáp ở địa phương . Mới đây hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với công ty Đất sạch tại thành phố Hồ chí Minh bao tiêu toàn bộ sản phẩm dừa sáp cho nông dân tùy theo thời giá .
Giống dừa sáp khó tính này có phát triển thành vùng chuyên canh được hay không còn phải chờ thời gian trồng thử nghiệm của các hộ nông dân và các nhà khoa học. Trong khi chờ đợi, nếu ai có dịp đến Cầu Kè, hãy thưởng thức món dừa sáp do chính gốc người dân ở Cầu Kè pha chế. “Ai đến Cầu Kè mà chưa ăn món dừa sáp thì coi như chưa đến Cầu Kè” - một câu nói ví von mà người dân Cầu Kè đã lưu truyền từ khi khai sinh ra giống dừa đặc ruột ở địa phương.
Nguyễn Tân