Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y các huyện; Thường trực UBND xã và cán bộ nông lâm nghiệp các xã. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi lợn tiêu biểu từ các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh tọa đàm

Hà Giang từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon, có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, nuôi con khéo và có giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5-2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn. Tuy nhiên, sản lượng hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để phát triển đàn lợn đen bản địa theo định hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng nâng cao giá trị cho sản phẩm thịt lợn đen thông qua việc xây dựng thương hiệu và tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã có sản phẩm thịt lợn hun khói, thịt treo gác bếp, lạp sườn, xúc xích được công nhận sản phẩm 4 sao và 01 sản phẩm “thịt lợn đen Lũng Pù Mèo Vạc” của Hợp tác xã Tuấn Dũng đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ và giải đáp những vướng mắc liên quan đến việc chăn nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề như liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị kinh tế, xử lý môi trường xung quanh chuồng trại, kỹ thuật phòng và trị bệnh trong chăn nuôi, cũng như các cơ chế, chính sách phát triển giống lợn bản địa tại địa phương đã được bàn bạc kỹ lưỡng.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và phù hợp, Hà Giang đang từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ lợn đen bản địa, xây dựng thương hiệu thực phẩm đặc hữu của địa phương.

leftcenterrightdel
Đại biểu tham quan mô hình nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học

Hoàng Văn Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Hà Giang