Huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum là địa phương có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các tiêu chuẩn sản xuất rau sạch an toàn thực phẩm, VietGAP, hướng hữu cơ và hữu cơ đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Trung tâm Khuyến nông thành phố đã chọn các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu của nông dân cần tham quan như: các mô hình sản xuất tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Măng đen; mô hình trồng rau hữu cơ tại Famer’s Garden của Công ty Four Way; mô hình rau hữu cơ Hợp tác xã Rau hoa và du lịch Thanh Niên Happy Vegi; mô hình rau hữu cơ Măng Đen Xanh Farm.

leftcenterrightdel
Nông dân TP. HCM thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ các mô hình hiệu quả tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum 

Đại diện mô hình rau hữu cơ Hợp tác xã Rau hoa và du lịch Thanh Niên Happy Vegi cho biết, mô hình được đầu tư hệ thống tưới nước tự động; sản xuất các loại rau, củ, quả như cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, các loại rau cải,... Mỗi tháng sản xuất trên 10 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất không sử dụng phân bón hoá học, chỉ sử dụng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, không có hại cho sức khoẻ con người. Sản phẩm tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, một phần tại Đà Nẵng, với giá bán cao hơn 5 – 7 lần so với sản phẩm cùng loại (từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại).

Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông tại huyện Củ Chi, thành viên đoàn tham quan chia sẻ: “Qua chuyến tham quan này, riêng bản thân tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm thiết thực hơn trong quá trình sản xuất, nhất là sản xuất rau hữu cơ cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường thành phố bởi nhu cầu thị trường của thành phố về sản phẩm rau sạch rất đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại khác nhau. Chuyến đi này cũng giúp tôi có nhiều định hướng thiết thực về tình sản xuất của đơn vị mình trong thời gian tới, phục vụ nhu cầu rau sạch cho người dân thành phố”.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hợp tác xã Phú Lộc, huyện Bình Chánh cũng là thành viên đoàn tham quan nhận định: “Qua các mô hình được tham quan, tôi nhận thấy mỗi nơi có mỗi cách sản xuất khác nhau. Đặc thù các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh bạn được thuận lợi với diện tích đất canh tác rộng, có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng với đặc thù là đô thị, diện tích đất sản xuất nông nghiệp TP.HCM hạn hẹp, vì vậy chúng ta nên chọn lựa những sản phẩm đặc thù phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu khách hàng thành phố sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”.

Bà Lê Thị Thúy Ái - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Mục đích chuyến tham quan tạo điều kiện cho nông dân các quận, huyện tiếp cận, trao đổi, học tập các tiến bộ về mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả được áp dụng tại tỉnh bạn Kon Tum. Từ đó tham khảo và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp trên địa bàn thành phố. Bà hy vọng qua chuyến đi này sẽ giúp đại diện các hợp tác xã và cá nhân sản xuất rau sạch, rau hữu cơ trên địa bàn thành phố có quyết tâm hơn nữa để đi theo phương thức sản xuất này; góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của thành phố. Mặt khác, dựa trên đánh giá lợi thế đối tượng canh tác theo từng địa phương, việc tham quan học tập là cơ hội cho kết nối, hợp tác để xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị do đặc tính từ sản xuất rau củ quả lượng cao, hướng đến chế biến tạo sản phẩm giá trị cao cho thị trường thành phố,... góp phần thực hiện tốt kế hoạch phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP. HCM