Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động và TBXH, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Vụ Tổ chức cán bộ và đại diện các trường thuộc Bộ NN&PTNT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, đại diện Chi cục PTNT các tỉnh Đông Nam Bộ. TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp đạt trên 160 nghìn người, chiếm 72% kế hoạch đề ra. Trong đó, khoảng 120 nghìn lao động đào tạo thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp với khoảng 43 nghìn là thành viên HTX và lao động liên kết với doanh nghiệp. Có 115 lớp cho lao động nông thôn làm việc trong doanh nghiệp, tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, HTX; 22 lớp về nghiệp vụ kế toán cho cán bộ HTX. 

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn một số tồn tại. Đó là: Hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; Việc xác định danh mục học nghề còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nông thôn; Kinh phí thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch được phê duyệt; Một số bộ phận lao động học theo phong trào, chưa xác định học nghề để nâng cao trình độ phát triển sản xuất cho bản thân; Đội ngũ cán bộ giáo viên dạy nghề của một số đơn vị còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm…

Theo TS. Hạ  Thúy Hạnh - PGĐ TTKNQG, hệ thống khuyến nông cả nước đã có nhiều đóng góp cho kết quả đào tạo nghề nông nghiệp.  Từ năm 2014 đến nay, trung tâm khuyến nông của 32 tỉnh đủ điều kiện là cơ sở dạy nghề  và trực tiếp triển khai các lớp đào tạo nghề cho nông dân ở địa phương. Những trung tâm khuyến nông chưa được là cơ sở đào tạo nghề đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, trung tâm khuyến nông các tỉnh đã đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 30.000 lao động nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành.

Tuy nhiên TS. Hạ Thúy Hạnh cũng cho rằng, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần đổi mới toàn diện. Trong đó Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cần tiếp tục tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng sư phạm dạy nghề cho địa phương. Cục nên "đặt hàng" các trường đào tạo sơ cấp nghề cho nông dân làm việc trong các doanh nghiệp và "đặt hàng" trung tâm khuyến nông tỉnh đào tạo cho nông dân vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Việc đào tạo cho nông dân cần bổ túc thêm các kiến thức về hợp tác xã, thông tin về tiêu chuẩn, xuất khẩu nông sản để người dân có định hướng trong sản xuất hàng hóa. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu các văn bản mới, các mô hình đào tạo hay cho các địa phương để lan tỏa và nhân rộng.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng các đơn vị cần rà soát công việc đã thực hiện năm 2017, tham mưu lãnh đạo chỉ đạo kế hoạch năm 2018. Theo đó, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cần hoàn chỉnh báo cáo 2017 và nêu định hướng thực hiên công tác đạo tạo nghề năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chỉ dạo tại Hội nghị

Về xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2018, Thứ trưởng chỉ đạo:

Cấp Trung ương:

Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trường, các tập đoàn lớn thực hiện việc đào tạo nghề theo yêu cầu của Bộ; Tổ chức hội nghị tập huấn vùng về triển khai kế hoạch đào tạo nghề 2018; Phối hợp với các Tổng Công ty cao su, cà phê, lương thực miền Nam, các hiệp hội… ký kết hợp tác về đào tạo; Tham mưu để Bộ ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh về đổi mới đào tạo nghề lao động nông thôn; Nghiên cứu và xây dựng phiếu đánh giá sau khoá học.

Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức 01 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về “Đổi mới công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho Lao động nông thôn”.

Triển khai ký văn bản liên tịch phối hợp giữa Cục Kinh tế hợp tác và PTNT với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, làm cơ sở cho chi cục kinh tế hợp tác và trung tâm khuyến nông các tỉnh phối hợp triển khai thực hiện.

Cấp địa phương:

Chi cục PTNT phối hợp với trung tâm khuyến nông tỉnh tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đúng đối tượng, theo đó 50% đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, 50% lao động cho các Hợp tác xã và hộ dân (ít nhất 20% Hợp tác xã). Chi cục PTNT phối hợp với các quỹ của HTX, Hội Nông dân, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp để cam kêt hỗ trợ cho nông dân tham gia đào tạo nghề và sau đào tạo nghề.

Thứ trưởng đề nghị năm 2018, công tác đào tạo nghề lao động cho nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo về quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo yêu cầu các nước nhập khẩu, hướng đào tạo nghề gắn doanh nghiệp, hợp tác xã và đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia