Đến nay, Ban quản lý làng nghề và nhân dân trong xóm luôn tích cực phát triển, nâng cao thương hiệu sản phẩm chè của làng nghề. Xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, trong 10 năm trở lại đây,  làng nghề đã thực hiện chuyển đổi từ giống chè cũ sang trồng chè cành  giống mới có năng suất, chất lượng. Đến nay làng đã chuyển đổi được 90 ha chè giống mới như như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Nhật và nhiều giống chè đặc sản cao cấp khác. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng cao.

 

Thu hoạch chè

 

Trong những năm qua xóm 5 được sự quan tâm của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị trấn tạo mọi điều kiện để duy trì và phát triển làng nghề. Các hộ gia đình đã tích cực tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè, hàng năm được tham dự các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2014, xóm 5 được chọn là làng nghề điểm của tỉnh và được được hỗ trợ thiết bị, máy móc chế biến và bảo quản chè cho các hộ làm chè, đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Được hỗ trợ tờ rơi, tem nhãn mác, thiết kế mẫu hộp đóng chè; đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu chè truyền thống xóm 5.

Qua 4 năm hoạt động, làng nghề chè đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của tỉnh, Hiệp hội làng nghề. Giai đoạn năm 2011 – 2015 được UBND tỉnh tặng 02 bằng khen trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển bền vững. Năm 2014 sản phẩm chè của làng nghề xóm 5 được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn và tặng cúp vàng thương hiệu Việt Nam tin dùng.

Năm 2015, làng nghề đã làm các thủ tục để đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu chè truyền thống xóm 5 và được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho logo chè xóm 5.

Giai đoạn 2010 - 2015, làng nghề truyền thống xóm 5 đã được tặng Bằng khen của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, giấy khen của Hiệp hội Làng nghề tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thái Nguyên.

Có thể khẳng định cây chè là cây làm giàu của người dân, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Hoàng Xuân Thủy – Trưởng Ban quản lý làng chè truyền thống xóm 5 cho biết, đời sống của người làm chè được nâng cao, có nhiều hộ thu nhập từ 25 đến 40 triệu đồng mỗi tháng; cả xóm có 126 hộ gia đình hiện có 75 hộ giàu; chỉ còn 02 hộ  nghèo và cận nghèo do hoàn cảnh bệnh tật đang được cộng đồng làng quan tâm giúp đỡ. Được sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị cùng với sự đóng góp của người dân xóm 5 đường làng được xây dựng khang trang sạch sẽ, với 7,4 km đường bê tông đến từng hộ gia đình và ra các đồi chè; cùng 2 km đường điện cao áp chiếu sáng mới được thi công.

Trong giai đoạn 2016 – 2017, làng nghề truyền thống xóm 5 có kế hoạch mở rộng diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được chứng nhận lên 70 ha; phát triển sản xuất chè vụ đông; cũng như  tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống đường giao thông để giao thương hàng hóa được thuận lợi, lắp đặt thêm hệ thống tưới tiêu nước. Đầu tư mua sắm thiết bị máy móc chế biến và bảo quản chè quy mô công nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm.  Đồng thời, xây dựng mô hình du lịch sinh thái làng nghề để khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm thực tế cuộc sống, văn hóa của người làm chè./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên