Buổi học thực hành lớp nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi

Trung tâm đã xây dựng chương trình, giáo án các nhóm nghề nông nghiệp để tham mưu cho Ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh. Đồng thời, trung tâm chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho 60 cán bộ kỹ thuật tham gia công tác dạy nghề,...

Nhìn lại 4 năm thực hiện công tác dạy nghề nông nghiệp (2011-2015) của Trung tâm, có thể đánh giá một số kết quả như sau:  Số lao động được đào tạo là 3.200 lao động, bình quân có 650 lao động được đào tạo mỗi năm. Đối tượng ưu tiên dạy nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách,... (chiếm  62% tổng số LĐ qua đào tạo) và lao động nữ (chiếm 41% tổng số LĐ qua đào tạo). Các lao động sau học nghề được trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề và vận dụng có hiệu quả vào sản xuất tại gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Số lao động sau đào tạo có việc làm đạt 70%. 50% lao động được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Số hộ nghèo có người tham gia học nghề thoát nghèo đạt 25% và dự kiến hết năm 2015 đạt 40%. Số hộ có thu nhập khá đạt trên 20% và đạt 30% vào cuối năm 2015.

Trung tâm KNKN Ninh Thuận đã hỗ trợ hình thành phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa như: vùng sản xuất lúa giống, vùng  trồng rau sạch, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc tập trung,… Trung tâm là cầu nối liên kết doanh nghiệp với người sản xuất, thành lập một số HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, tổ sản xuất với 15% lao động qua đào tạo tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tư vấn nghề, tư vấn việc làm còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở xã, phường và việc vào cuộc của doanh nghiệp chưa mạnh. Công tác đào tạo nghề chưa phát huy tính hiệu quả do các điều kiện như: vốn, đất đai, nhà xưởng, bao tiêu sản phẩm,… Kỹ năng sư phạm cũng như kinh nghiệm của người làm công tác dạy nghề chưa đồng nhất. Đào tạo nghề nông nghiệp chủ yếu tổ chức tại địa phương nên cơ sở vật chất có nơi chưa đáp ứng được. Do người nông dân vừa học vừa sản xuất, một số vùng xa ảnh hưởng đến đi lại của giảng viên và công tác kiểm tra giám sát nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Từ sự phân tích những mặt được và hạn chế của công tác dạy nghề trong 4 năm qua, Trung tâm KNKN Ninh Thuận đề xuất những định hướng giai đoạn 2016-2020 và một số giải pháp thực hiện.

Dự kiến đến năm 2020 đào tạo nghề nông nghiệp đạt 2500 - 3000 lao động (bình quân 500 - 600 lao động được đào tạo mỗi năm). Trong đó ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách và lao động nữ. Phấn đấu đưa số lao động sau học nghề có việc làm đạt 85-90%; Số lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đạt trên 60%; Số lao động tham gia tổ sản xuất, tổ HT, HTX đạt 50%; Số hộ nghèo có người tham gia học nghề thoát nghèo đạt 60% và số hộ có thu nhập khá đạt 70%.

Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm KNKN Ninh Thuận cần chú ý đến các giải pháp sau:

- Ưu tiên chọn vùng tuyển sinh đối với địa bàn các xã vùng xa, vùng khó khăn, vùng người dân tộc tiểu số và gắn với mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới;

- Tư vấn chọn nghề đào tạo phải căn cứ sát với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và phát huy lợi thế tại địa phương. Trong đó lấy tái cơ cấu Ngành nông nghiệp làm chủ đạo để hạn chế thấp nhất rủi do về dịch bệnh, giá cả và tác động biến đổi khí hậu, hạn hán…

- Phối hợp tốt giữa cơ sở dạy nghề với chính quyền địa phương, tăng cường liên kết doanh nghiệp với nông dân. Tập trung hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, cánh đồng mẫu lớn, thành lập tổ sản xuất, tổ HT, HTX,…

- Tiếp tục góp ý xây dựng, điều chỉnh chương trình, giáo trình nghề phù hợp từng đối tượng cây con và mục đích nghề đào tạo, lồng ghép các nội dung về an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, các tiến bộ kỹ thuật mới,...

- Nâng cao trình độ sư phạm nghề, kỹ năng phương pháp khuyến nông, tạo điều kiện giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo nghề, tổ chức đánh giá chất lượng giảng viên dạy nghề.

- Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị dạy nghề.

Đặng Ngọc Quang

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Ninh Thuận