Báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2025, Trung tâm đã thực hiện Đề án, phương án tinh, gọn tổ chức bộ máy, theo đó Trung tâm đã giảm được 02 đơn vị đầu mối (20%) đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW. Trung tâm thực hiện tiếp nhận Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và tổ chức lại để thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng giúp việc Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại khu vực này. Song song với đó, Trung tâm rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, nội quy của Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố sắp xếp hệ thống khuyến nông các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp…
Đối với việc triển khai dự án khuyến nông Trung ương, năm 2025, Trung tâm được phê duyệt triển khai 113 dự án, kinh phí 171 tỷ đồng, trong đó có 64 dự án chuyển tiếp (96,5 tỷ) và 49 dự án mở mới (74,5 tỷ). Kết quả:
Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật triển khai 9 dự án cây lương thực, quy mô 1.124 ha; 12 dự án cây rau màu, quy mô 521,6 ha; 9 dự án cây ăn quả, quy mô 174 ha; 09 dự án cây công nghiệp dài ngày quy mô 305,5 ha. Các dự án đã triển khai các công tác chọn điểm, chọn hộ; đấu thầu các gói cung cấp vật tư, phân bón; tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật, tập huấn nhân rộng mô hình, tham quan đầu bờ … Giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt từ trên 30% - 63%.
Lĩnh vực chăn nuôi - thú y triển khai 29 dự án, trong đó có: 04 dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò quy mô 1.235 con; 2 dự án chăn nuôi bò tuần hoàn triển khai với quy mô 450 con bò và 7,4 ha trồng ngô sinh khối; 9 dự án phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô 118.000 con; 6 dự án phát triển chăn nuôi lợn quy mô 4.700 con; 8 dự án phát triển chăn nuôi dê, cừu ong triển khai với quy mô 822 con và 2.250 đàn ong. Các dự án chăn nuôi đã tổ chức mua và cấp phát giống, vật tư, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học; triển khai 62 lớp tập huấn trong mô hình cho 1295 người và 9 lớp tập huấn ngoài mô hình cho 270 người. Giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt 60%.
Lĩnh vực thủy sản và ngành nghề nông thôn triển khai 27 dự án, trong đó: 05 dự án nuôi thủy sản nước ngọt thực hiện với quy mô 18 ha đầm, 1.360m3 lồng nuôi, 1.300m2 bể nuôi; 17 dự án nuôi thủy sản mặn lợ, quy mô 126,6 ha ao đầm, 2.308 m3 lồng; 5.200 m2 diện tích lồng thả ngao và 50 vạn con giống cá chim; 04 dự án khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm; 1 dự án ngành nghề nông thôn và nghề muối, quy mô 4,5 ha. Đến nay, các dự án đã tiến hành chọn điểm, chọn hộ, bàn giao vật tư, thiết bị cho mô hình và đưa mô hình vào sản xuất. Các mô hình bước đầu cho kết quả khả quan, việc ứng dụng cơ giới hóa đã giúp tăng năng suất lao động, giảm lao động thủ công.
Lĩnh vực lâm nghiệp thực hiện 18 dự án với quy mô 667 ha, cụ thể: 4 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 297 ha; 14 dự án cây lâm sản ngoài gỗ, quy mô 370 ha. Các dự án đã triển khai và hoàn thành việc chọn điểm, chọn hộ; tổ chức tập huấn kỹ thuật; triển khai đấu thầu mua và cấp vật tư, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các mô hình.
    |
 |
Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh báo cáo tại hội nghị |
Đối với nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên, hoạt động thông tin truyền thông luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của ngành; cập nhật kịp thời những vấn đề nóng, cấp bách trong hoạt động nông nghiệp, nông thôn, môi trường và khuyến nông qua các ấn phẩm khuyến nông, trang web, tổ chức sự kiện, phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình. Về đào tạo huấn luyện, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tổ chức được 30 lớp tập huấn, 11 đoàn tham quan học tập, xây dựng dự thảo đề cương nội dung tài liệu và video.
Một trong những điểm nhấn của công tác khuyến nông là việc tham gia thực hiện các đề án. Cụ thể, với Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan báo chí triển khai các hoạt động truyền thông Đề án; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm về nội dung Đề án, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông và bà con tham gia thực hiện mô hình thuộc Đề án. Đối với Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, Trung tâm tiếp tục nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập để thực hiện các chức năng chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ hợp tác xã và liên kết sản xuất thị trường. Các hoạt động cụ thể như biên soạn 02 bộ tài liệu về quá trình xây dựng tổ KNCĐ và nâng cao năng lực cán bộ tổ KNCĐ; tổ chức 43 lớp tập huấn xây dựng cơ chế chính sách, kế hoạch, kiến thức và kỹ năng cho thành viên tổ KNCĐ và HTX; tổ chức 10 đoàn tham quan học tập; 05 toạ đàm đánh giá, học tập kinh nghiệm ....
Mặc dù xác định sẽ còn nhiều khó khăn thách thức, Trung tâm Khuyến nông quốc gia quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch đề ra trong năm 2025 với các mục tiêu, giải pháp:
Hướng dẫn, chỉ đạo sát sao các tổ chức chủ trì, các đơn vị tham gia tổ chức triển khai, thực hiện các dự án, nội dung và nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, đạt chất lượng, kết quả theo mục tiêu, yêu cầu đã phê duyệt;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá dự án, nhiệm vụ theo kế hoạch đã phê duyệt. Kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế;
Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương đường lối, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của Bộ và giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng". Thực hiện thí điểm mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng gắn với hợp tác xã.
Triển khai nhiệm vụ tham gia Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao và phát triển vùng nguyên liệu tập trung: Tổng kết các mô hình về canh tác lúa giảm phát thải; xây dựng tài liệu, học liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, Khuyến nông cộng đồng và nông dân; đào tạo lực lượng đo đạc MRV.
Phát triển khuyến nông số (khuyến nông điện tử): Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động khuyến nông, Khuyến nông cộng đồng. Nâng cấp ứng dụng Khuyến nông xanh, phần mềm quản lý dự án khuyến nông. Kết nối hệ thống khuyến nông trên các nền tảng số...
    |
 |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Sau khi nghe các báo cáo và kiến nghị từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã gợi ý một số nhiệm vụ trọng tâm mà Trung tâm cần lưu ý:
Thứ nhất, cần rà soát tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của hệ thống khuyến nông từ Trung tương đến địa phương, bắt tay vào củng cố và xây dựng hệ thống. Trung tâm cần nghiên cứu các Nghị định, Thông tư về phân cấp, phân quyền mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành, trong đó có các nội dung liên quan tới hoạt động khuyến nông để có cơ sở triển khai trong thực tiễn.
Thứ hai, cần xây dựng cơ chế mới cho hoạt động khuyến nông. Theo đó, cán bộ khuyến nông trung ương cần sâu sát, xuống tận cơ sở nắm tình hình thực tế và nghiên cứu, đề xuất mô hình khuyến nông phù hợp trong điều kiện mới.
Thứ ba, công tác thông tin truyền thông thời gian qua đã triển khai rất tốt, thời gian tới phải đẩy mạnh để làm tốt hơn nữa, chú trọng truyền thông các mô hình hiệu quả. Trong điều kiện mới, khi các địa phương sáp nhập lại, lớn mạnh hơn, các vùng phải có kết nối thông tin. Cần phải tuyên truyền để các địa phương hiểu rõ hơn chức năng và nhiệm vụ của khuyến nông.
Thứ tư, đối với các dự án khuyến nông, nếu như trước đây chúng ta quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì thì hiện tại cần lưu ý đến yếu tố vùng nguyên liệu, yếu tố liên kết khi triển khai các dự án.
Trên tất cả, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần phải mở ra định hướng mới cho hoạt động khuyến nông. Trong đó, công tác khuyến nông luôn phải vận động theo thực tiễn cuộc sống, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và hướng tới làm dịch vụ cho người nông dân.
Việt Oanh - Bảo Toàn
Trung tâm Khuyến nông quốc gia