Chủ trì hội nghị có TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm KNQG, TS. Lại Đình Hòe – Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và ông Nguyễn Lý Nguyên – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên.

Toàn cảnh hội nghị

Dự án được triển khai tại 6 tỉnh Duyên hải miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trong giai đoạn 2015-2017 với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình liên kết giữa các nhóm nông dân trong nông hộ, nhóm nông hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao nhằm nâng diện tích sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa tại các tỉnh miền Trung, nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, nhận thức về sử dụng giống lúa xác nhận.

Sau 3 năm, dự án đã xây dựng 11 mô hình tại 24 điểm trình diễn trên địa bàn 6 tỉnh với tổng quy mô 800 ha, bao gồm 14 giống lúa: Thiên ưu 8, HT1, BT7, J02, OM4900, OM6976, VN121, ĐH815-6, ĐH99-81, BC15, TBR-1, TBR-225, ML48, ĐV108 cấp xác nhận 1. Đây là những giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo khá, phù hợp với sản xuất của các tỉnh miền Trung, có khả năng né tránh thiên tai khắc nghiệt của miền Trung. Năng suất mô hình đạt từ 5,2 – 8,0 tấn/ha (tùy từng giống) đã cho tổng sản lượng hạt giống xác nhận 1 đạt 5.260 tấn.

Năm 2015 - 2016 các đơn vị đã thu mua, chế biến và cung ứng cho sản xuất của các tỉnh miền Trung đạt 2.884,2 tấn. Năm 2017 dự kiến các đơn vị sẽ thu mua và tiêu thụ khoảng 1.540 tấn góp phần giúp các địa phương chủ động lượng giống tốt phục vụ cho sản xuất đại trà.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao hiệu quả và tác động của dự án, đặc biệt về hình thức xây dựng tổ nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống giữa nông dân trong nhóm hộ, hợp tác xã với doanh nghiệp. Các bên tham gia cùng xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên. Hàng năm các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, quy mô diện tích, chủng loại giống và ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hạt giống, tạo điều kiện hỗ trợ giống và ứng trước kinh phí để nông dân mua phân bón, vật tư phục vụ sản xuất, cử cán bộ theo dõi và hướng dẫn người dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, kiểm định đồng ruộng và hướng dẫn người dân thu hoạch đảm bảo chất lượng hạt giống. Qua 3 năm thực hiện đã khẳng định mô hình liên kết hoạt động rất hiệu quả. Các bên tham gia đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình, sản xuất đúng kế hoạch, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, bán sản phẩm hạt giống đã sản xuất ra cho doanh nghiệp như đã thỏa thuận. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân trong khâu thu hoạch như mua lúa tươi tại ruộng về sấy và chế biến, góp phần giảm bớt khó khăn và chi phí cho người sản xuất trong khâu thu hoạch, tạo niềm tin và sự phấn khởi của nông dân về mô hình liên kết. Đây cũng là tiền đề để mở rộng xây dựng các HTX chuyên giống, tăng cường sản xuất giống tại chỗ nhằm hạ giá thành hạt giống, tạo điều kiện giúp người sản xuất tiếp cận với hạt giống có chất lượng tốt cho sản xuất.

Với cơ chế thu mua được các bên thỏa thuận: 1 kg hạt giống xác nhận 1 được mua với giá bằng 1,25 – 1,3 kg thóc thương phẩm cùng loại đã góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất từ 8 – 15 triệu đồng/ha, tương đương tăng hiệu quả kinh tế từ 25 – 30% so với sản xuất lúa đại trà.

Thông qua xây dựng mô hình, các đơn vị đã tổ chức hoạt động đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền cho người sản xuất lúa trong vùng về quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống, kỹ thuật thâm canh lúa trong sản xuất đại trà, tuyên truyền về hiệu quả của việc giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng hạt giống có phẩm cấp trong sản xuất đại trà.

Tại buổi tham quan mô hình, ông Trần Ngọc Huệ, người trực tiếp tham gia mô hình tại thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên) đã chỉ tay sang khu ruộng sản xuất đại trà bên cạnh và nói: “Trước khi tham gia mô hình hầu hết nông dân trong thôn vẫn dùng thóc thịt để làm giống và gieo với lượng rất lớn, khoảng 12 kg/sào (tương đương 240 kg/ha) nên lúa mới nhiều tầng, nhiều lớp như vậy, phải phun thuốc trừ sâu nhiều lần, năng suất thấp. Nay tham gia mô hình mới thấy dùng hạt giống chất lượng và chỉ gieo 4 -5 kg/sào mà lúa vẫn tốt, bằng phẳng, từ đầu vụ đến giờ chưa phải phun thuốc lần nào, năng suất cao, dự kiến sẽ đạt khoảng 7,0 – 7,2 tấn /ha”.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất hạt giống lúa ML48 cấp xác nhận tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An , Phú Yên

Kết luận tại hội nghị tổng kết, TS. Trần Văn Khởi - QGĐ Trung tâm Trung tâm KNQG nhấn mạnh sự thành công của dự án đã góp phần minh chứng hiệu quả của cách làm mới, làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác xuống giống với mật độ cao của người dân địa phương. Đồng thời ông cũng khuyến nghị người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật theo chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cán bộ khuyến nông cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân ngoài mô hình thấy được tính ưu việt của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng tính lan tỏa của mô hình. Các đơn vị tham gia dự án chuẩn bị tốt cho công tác thu hoạch và thu mua lúa cho bà con trong thời gian tới.

Hà Văn Biên – Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia