Thông qua các lớp tập huấn các học viên được giảng viên chia sẻ, trao đổi lý thuyết kết hợp với thực hành tham quan các mô hình sản xuất nho táo kết hợp với khai thác du lịch. Thông qua tập huấn giúp các hộ nông dân tham gia mô hình nâng cao kiến thức và hiểu biết về thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng các tiến bộ trong kỹ thuật canh tác nho, táo phù hợp với biến đổi khí hậu; sản xuất nho, táo theo chuỗi liên kết; xây dựng mô hình trồng nho, táo gắn với khai thác phát triển du lịch.

 

Bên cạnh đó, giúp người nông dân tham dự án tăng cường sử dụng các giống cây trồng rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng; khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; áp dụng tổng hợp các biện pháp trong quản lý dịch hại, góp phần giảm được chi phí trong sản xuất, qua đó hạn chế tác động đến môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong chuỗi liên kết sản xuất và phương pháp quản trị để kết hợp sản xuất nho, táo gắn với khai thác, phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh lớp tập huấn

 

Theo anh Lê Quốc Hiền – Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), cây nho và táo đang được người nông dân của Tuy Phong mở rộng sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Hiện diện tích có xu hướng tăng dần do nông dân chuyển đổi trên diện tích trồng thanh long già cỗi, kém hiệu quả. Sau khi các thành viên của Hợp tác xã được tham gia lớp tập huấn và được trực tiếp tham quan các ruộng nho do Viện Nha Hố tư vấn, chuyển giao đều có chung nhận xét: Mô hình sản xuất nho, táo đạt tiêu chuẩn VietGAP kết hợp du lịch luôn được người dân rất quan tâm và là một trong những mô hình được người dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ.

 

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thanh Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) chia sẻ, thông qua tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như công tác giống, kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo chuỗi liên kết và kết hợp với phát triển du lịch; góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tại các địa phương và nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng nho, táo. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế và tạo ra một môi trường sống tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và du khách đến thăm quan trải nghiệm các vườn nho, táo.

 

Dự án triển khai thực hiện đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các hộ nông dân trong và ngoài mô hình. Thông qua dự án sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn để hình thành vùng sản xuất nho, táo theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn VietGAP và kết hợp với phát triển du lịch. Vì thế, việc triển khai tập huấn và xây dựng mô hình góp phần nâng cao kiến thức cho người trồng nho, táo sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ hóa học và phân vô cơ; góp phần cải thiện độ phì nhiêu đất, năng cao hiệu quả sử dụng phân bón và tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng và du khách đến tham quan trải nghiệm vườn nho, táo.

 

Phạm Văn Phước

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố