Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất, đại diện Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV, Hợp tác xã, nông dân tiêu biểu thuộc các huyện trên địa bàn Thành phố, cùng một số doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Hội thảo

Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên số một là đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy được quan tâm hàng đầu.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa. Mặc dù hiệu quả cơ giới hóa khâu gieo cấy rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy khó mở rộng. Đến nay, cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, chiếm trên 95% diện tích, khâu thu hoạch chiếm trên 80%, còn khâu gieo, cấy chủ yếu vẫn là thủ công, mới áp dụng cơ giới hóa được 3% diện tích. Thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là nguyên nhân chính.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400 ha lúa/2 vụ, được triển khai tại 5 điểm của 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa và Đông Anh. Các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lượng giống theo định mức 45 kg/ha, 50% giá thể gieo mạ theo định mức 1.200 kg/ha và 50% khay nhựa gieo mạ theo định mức 270 khay/ha. Kết quả tại vụ Xuân, lúa được cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 60- 62 tạ/ha, chi phí khâu gieo mạ khay, cấy máy giảm từ 3,8-5,4 triệu đồng/ha so với gieo mạ dược, cấy tay truyền thống. Mặt khác gieo mạ khay cấy máy, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất lúa cao hơn từ 10-15% so với cấy tay truyền thống. Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.

Ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo

Tại Hội thảo, báo cáo tham luận cùng ý kiến của các đại biểu tham dự đều xoay quanh những khó khăn, tồn tại trong phát triển cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa trên địa bàn thành phố, cụ thể:

- Ở một số địa phương, đồng ruộng còn manh mún, không bằng phẳng, khó điều tiết nước nên khó khăn trong cơ giới hóa khâu gieo cấy ;

- Cơ cấu giống lúa dàn trải, chưa xác định được giống lúa chủ lực; Chưa quy hoạch cánh đồng cấy một giống, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung cấy cùng giống, cùng thời vụ để thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa;

- Nhận thức của người dân về lúa cấy máy còn hạn chế, do đó chưa thay đổi được thói quen cấy tay truyền thống;

- Nông nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu là nông nghiệp nông hộ, quy mô nhỏ, tính hợp tác, sản xuất hàng hóa chưa được quan tâm nhiều nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Tuy chính sách của Thành phố đã ban hành nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa khuyến khích được người dân mua máy tốt, máy có công suất lớn;

- Vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp chưa được phát huy;

Đặc biệt, khâu làm mạ vẫn còn một số tồn tại: Một số nơi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật; Sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất và kinh phí như kho bãi, nhà xưởng, diện tích đất…; Phần lớn các cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được, dẫn đến chi phí sản xuất cao; Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môi, đội ngũ sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong khi cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành tại các địa phương.

Bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội giải đáp thắc mắc của đại biểu tham dự hội thảo

Để thúc đẩy phát triển sản xuất mạ khay, mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, các đại biểu đề xuất: UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, tập thể đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, bằng các giải pháp như: Tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy; Hỗ trợ hình thành 1-2 trung tâm sản xuất mạ khay tại mỗi huyện; Tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy tốt, máy có công suất lớn; Tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn mua máy…

Vân Quỳnh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia