Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện để người trồng lúa tại huyện Hoằng Hóa nói riêng và người trồng lúa của tỉnh Thanh Hóa nói chung tiếp cận với các thông tin, tiến bộ kỹ thuật, đồng thời được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp để hướng tới sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững  gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Diễn đàn thu hút gần 200 đại biểu là là đại diện Phòng Nông nghiệp huyện; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và bà con nông dân các huyện trong tỉnh như: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Yên Định.

Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Tại Thanh Hóa, diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh có trên 145.00 ha, trong đó đất chuyên trồng 2 vụ lúa nước trên 130.000 ha, đất trồng lúa nước còn lại là trên 15.000 ha, đất lúa nương 322 ha, được trồng ở 2 vụ Xuân và vụ Mùa. Trong 5 năm qua, diện tích lúa bị giảm đi do chuyển dịch mục đích sử dụng đất trồng lúa sang thực hiện các dự án, công trình, hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hay trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả cao hơn.

Cơ cấu giống lúa bao gồm lúa lai, lúa thuần chất lượng cao và giống lúa khác. Lúa lai chiếm khoảng 43% diện tích (năm 2019),  diện tích giống lúa thuần chất lượng cao chiếm 57% diện tích… Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng lúa được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, vì vậy hiệu quả trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đạt lợi nhuận từ 30- 35% vốn đầu tư. So với các cây trồng khác hiệu quả sản xuất lúa không cao, nhưng một số mô hình với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và các biện pháp kỹ thuật khác thì hiệu quả đạt trên 35% tổng số vốn đầu tư. 

Tuy sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh tương đối lớn nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống tiêu thụ ổn định, không những thế năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm lúa gạo vẫn còn thấp; diện tích sản xuất  lúa gạo còn nhỏ lẻ, khó khăn cho việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa và đặc biệt là chưa thu hút được nguồn lực xã hội cho sản xuất lúa gạo như: chế biến, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…

Chính từ những khó khăn trên, các đại biểu và bà con tham dự Diễn đàn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số giải pháp như: Quy hoạch vùng sản xuất có quy mô lớn, tập trung; Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm (áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT từ cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ sản xuất; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật: làm đất, mật độ cấy); Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện hệ thống giao thông, thủy lợi…) phù hợp với yêu cầu sản xuấ; Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa gạo; Tăng cường thu hút đầu tư (thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi giá trị) và xây dựng được thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho lúa gạo xứ Thanh…

Thông qua Diễn đàn, với 25 câu hỏi được Ban cố vấn lần lượt giải đáp đầy đủ, thỏa đáng cho bà con nông dân trong tỉnh, qua đây đại diện ban ngành có liên quan biết được những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân để có những kế hoạch, giải pháp, phương hướng và đề xuất sát thực tế, giúp cho bà con phát triển sản xuất ổn định, tạo thị trường ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân theo hướng bền vững./.

Thu Hiền

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa