Phú Yên có lợi thế về sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn dẫn đầu cả nước. Năm 2011, sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên đạt trên 5.200 tấn, tương đương giá trị khoảng 700 tỷ đồng. Phần lớn những người đi bạn có thu nhập khá, trên 10 triệu đồng/chuyến biển. Nhờ phát triển nghề câu cá ngừ đại dương đạt hiệu quả mà hàng trăm hộ ngư dân đã nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, một số hộ đã thực sự giàu lên, sắm thêm được tàu câu cá ngừ đại dương mới với công suất lớn hơn, bộ mặt ngư thôn ven biển không ngừng đổi mới, ngày càng được xây dựng to đẹp hơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về mặt số lượng, thì còn nhiều tồn tại về mặt chất lượng cá ngừ đại dương cần phải kể đến. Nhiều năm qua, chất lượng cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên được các cơ sở thu mua đánh giá thấp hơn Bình Định và Khánh Hòa, do đó mà giá thu mua thường thấp hơn khoảng 10-20%. Ngoài yếu tố đó, còn có nhiều yếu tố khác làm giảm chất lượng cá ngừ đại dương, chẳng hạn như: Hệ thống hầm bảo quản cá trên tàu câu của ngư dân phần lớn làm bằng gỗ lót xốp cách nhiệt, mức độ giữ lạnh cho cá sau đánh bắt bị hạn chế, đặc biệt là đối với tàu hoạt động dài ngày (trên 1 tháng); dụng cụ xử lý sơ chế cá ngừ trên tàu chưa thật sự bảo đảm an toàn vệ sinh; chất lượng nước đá đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh cũng chưa được bảo đảm, đặc biệt vào mùa chính vụ do nguồn nước đá cây khan hiếm cho nên bà con ngư dân không thể chủ động trong việc lựa chọn nguồn nước đá sạch, đảm bảo chất lượng an toàn, hợp vệ sinh; hệ thống kho lạnh tại các bến cảng chưa có, thời gian cá nằm chờ đánh giá phân loại thường bị kéo dài và quá trình giải nhiệt của cá tại bên, cảng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến đổi chất lượng của thịt cá; bến cảng chưa bảo đảm vệ sinh; Việc thao tác bốc dỡ cá từ tàu lên, vận chuyển đến khi phân loại thu mua còn tình trạng kéo dài thời gian, đặc biệt vào mùa nắng nóng làm cho cá giải nhiệt không giữ lạnh được ... tất cả những vấn đề đó đã làm cho chất lượng cá ngừ đại bị giảm thấp ảnh hưởng đến giá cả và hiệu quả chuyến biển.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguyên liệu cá ngừ đại dương phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh ngày càng đạt hiệu cao:

Thứ nhất. Đối với bà con ngư dân cần phải đầu tư nâng cấp các hệ thống hầm bảo quản cá ngừ trên tàu câu cá ngừ đại dương, đồng thời phải thực hiện tốt việc sơ chế xử lý bảo quản sản phẩm sau khai thác, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là “Nhanh - lạnh - sạch - không dập nát”.

Thứ 2. Đối với cá ngừ đại dương, ngay sau khi cá được kéo khỏi mặt nước đưa lên tàu phải tiến hành làm cho cá chết đột ngột, tiến hành chọc tủy, móc mang, mổ bụng lấy nội tạng, dùng nước lạnh rửa, vệ sinh sạch sẽ, càng nhanh càng tốt, để hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm nhập và hoạt động của các vi khuẩn cũng như các men (enzin) có trong cơ thể cá tự phân giải thịt cá. Một điều đáng lưu ý nữa là do thời gian chuyến biển kéo dài trên dưới 30 ngày cho nên cần phải có lượng nước đá dữ trử đủ để bổ sung và giữ độ lạnh trong suốt quá trình bảo quản cá.

Thứ 3. Đối với các cơ sở thu mua cá ngừ cần phải tiến hành công bố công khai tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương mà cơ sở sẽ thu mua, đồng thời cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và bà con ngư dân thực hiện đúng tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đã cam kết trong điều kiện nhà nước chưa ban hành quy định tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương và chưa có Trung tâm bán đấu giá cá ngừ đại dương. Các cơ sở thu mua cần tăng cường phối hợp với Hiệp hội cá ngừ Phú Yên và Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Phú Yên, Chi cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản để tổ chức tập huấn kỹ thuật sơ chế, bảo quản nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương sau khai thác cho bà con ngư dân. Đầu tư hiện đại hóa máy móc thiết bị, dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động, thực hiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm thủy sản tại cơ sở thu mua theo đúng quy định.

Thứ 4. Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành tiêu chuẩn chất lượng mà các cơ sở đã cam kết và công bố. Đẩy mạnh việc kiểm tra xử lý việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trong các các khâu sơ chế bảo quản sản phẩm và dịch vụ hậu cần thủy sản. Các cơ quan chức năng chuyên môn kỹ thuật cần đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà con ngư dân, Chi cục quản lý chất lượng nông thủy sản cần tổ chức việc giám sát quản lý chất lượng cá ngừ mà các cơ sở thu mua đã cam kết với ngành chức năng hoặc tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan có thẩm quyền ban hành áp dụng tại địa phương.

Thứ 5. Đối với Nhà nước cần quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá, chợ cá, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, băng chuyền gắn liền trên các bến, cảng để khi cá về bến thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm từ tàu vào hệ thống kho lạnh được nhanh chóng, hạn chế tối đa thời gian không được giữ lạnh và giải nhiệt của cá làm ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ. Khi cá đã được chuyển vào hệ thống kho lạnh tại cảng thì việc đánh giá, phân loại thu mua phải được thực hiện nhanh, cần tránh và hạn chế tối đa việc xả đá để xử lý sơ chế lại cá lần hai, vì làm như thế thịt cá dễ bị xây xước và giảm chất lượng hương vị tự nhiên của thịt cá. Cần thành lập Trung tâm bán đấu giá cá ngừ đại dương tại cảng để đảm bảo thuận lợi cho cả người mua và người bán cá ngừ đại dương.

Thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu cá ngừ đại dương phục vụ chế biến xuất khẩu với hiệu quả ngày càng cao hơn, đồng thời vừa nâng cao uy tín và phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương của Phú Yên “PHU YEN TUNA” cả thị trường trong và ngoài nước./.

Tân Nguyễn