1. Đối với cây, vườn cây bị gãy cành, đổ nghiêng

 

- Bước 1: Ngay sau khi hết mưa, khơi thoát nước vườn cây, tiến hành dựng thẳng gốc cây, dùng cọc chống để cây không bị nghiêng trở lại (áp dụng đối với cây thân gỗ).

 

- Bước 2: Cắt bỏ cành gẫy/bị tổn thương do bão, ngập lụt. Cụ thể:

 

+ Đối với cây còn nguyên vẹn cành, hoặc có rất ít cành bị gãy (<1/3 tán cây gãy): Chỉ cắt bỏ cành gãy, sau khi cây hồi phục mới tỉa cành, tạo tán.

 

+ Đối với cây có bộ tán bị gãy nhiều (>1/3 tán cây gãy): Cắt bỏ toàn bộ cành gãy, để lại các cành còn lá (cành thở), sau khi cây hồi phục sẽ tiến hành tạo lại bộ tán.

 

+ Đối với cây đang mang quả cần căn cứ vào mức độ gãy đổ để tỉa bớt hoặc cắt hết quả trên cây để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, khôi phục cây.

 

Lưu ý: Đối với các vết tổn thương lớn do đổ gãy hoặc cắt bỏ phải xử lý bằng dung dịch sát khuẩn (quét nước vôi, dung dịch Boóc-đô hoặc các thuốc BVTV có chứa gốc đồng)

 

- Bước 3: Xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây (độ sâu 5 - 10 cm) để rễ cây có thể hút được oxy; dùng vôi bột để rắc, phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Fosetyl Aluminium hoặc Metalaxyl + Mancozeb hoặc Dimethomorph; sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ mới cho cây ăn quả, với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.  

 

- Bước 4: Khi cây bắt đầu hồi phục, định kỳ phun bổ sung các loại phân bón qua lá; tiếp tục tưới phân bón kích rễ và bón bổ sung phân NPK tổng hợp cân đối. Để giúp tăng cường khả năng phục hồi của cây cần bón bổ sung phân chuồng hoai mục + chế phẩm sinh học (Trichoderma) hoặc phân hữu cơ vi sinh. Kết hợp tủ gốc cây bằng rơm rạ mục hoặc vật liệu che phủ (cách gốc 30 - 50 cm), tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, hanh khô, tránh tình trạng cây bị mất nước.

 

2. Đối với cây, vườn cây bị ngập nước

 

- Bước 1: Vệ sinh vườn: Loại bỏ rác bám trên cây để tránh tổn thương và loại bỏ nguồn bệnh. Rửa bùn bám trên lá để tăng khả năng quang hợp; Cắt bỏ cành gẫy/bị tổn thương.

 

- Bước 2: Xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây (độ sâu 5 - 10 cm) để rễ cây có thể hút được oxy; dùng vôi bột để rắc, phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Fosetyl Aluminium hoặc Metalaxyl + Mancozeb hoặc Dimethomorph; sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ mới cho cây ăn quả với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.       

 

- Bước 3: Sau khoảng 7 - 10 ngày, để giúp tăng cường khả năng phục hồi của cây cần bón bổ sung phân chuồng hoai mục + chế phẩm sinh học (Trichoderma) hoặc phân hữu cơ vi sinh theo hình chiếu tán cây giúp cây phát triển rễ tơ mới. 

 

- Bước 4: Khi bộ rễ tơ bắt đầu hồi phục (khoảng 10 - 15 ngày), kiểm tra thấy có rễ tơ xuất hiện thì bón phân NPK tổng hợp cân đối, đồng thời có thể phun bổ sung phân bón lá giúp tăng cường khả năng phục hồi của cây. Kết hợp tủ gốc cây bằng rơm rạ mục hoặc vật liệu che phủ (cách gốc 30 - 50 cm), tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, hanh khô, tránh tình trạng cây bị mất nước.

 

3. Đối với cây bị hại nặng, toàn bộ lá bị rụng, cành bị chết

Tiêu hủy ngay những cây bị vàng lá, rụng lá, thối rễ nặng không có khả năng hồi phục ra khỏi vườn cây ăn quả; sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh, rệp sáp và tuyến trùng lây lan.

 TTKNQG