Huyện Gò Công Tây nằm trong vùng dự án ngọt hoá Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Những năm khô hạn, xâm nhập mặn, Gò Công Tây thường chịu nhiều ảnh hưởng. Nhất là mùa khô 2015- 2016, Gò Công Tây là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trong tỉnh. 

Năm nay, trước những dự báo khô hạn và xâm nhập mặn lịch sử sẽ tái diễn, chính quyền địa phương và nhân dân rất chủ động trong ứng phó thiên tai.

Vụ Đông Xuân này, bà con nông dân Gò Công Tây đã gieo sạ trên 9.000 ha lúa Đong Xuân. Hiện đã thu hoạch trên 450 ha, còn 5.300 ha nặng mặt (ngậm sữa, đỏ đuôi) sắp thu hoạch. Hầu như lúa của huyện đã thoát qua được khô hạn, thiếu nước.

Ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết: “Vụ Đông Xuân xuống giống ngày cuối cùng phải trước 15/11 sẽ đảm bảo về nước cũng như năng suất, không ngại hạn mặn”.

Ngoài yếu tố nước, nông dân ở đây còn gieo sạ các giống lúa ngắn ngày để ứng phó với khô hạn, thiếu nước. Ở ấp Thạnh Lợi, xã Bình Tân, đa số bà con gieo sạ giống lúa Nàng Hoa 9 có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày.

Ông Phạm Văn Dinh ở ấp Thạnh Lợi cho biết: “Vụ này, bà con chủ động gieo sạ đúng lịch thời vụ của tỉnh để chủ động nguồn nước. Có người còn xuống giống sớm lịch của tỉnh. Sau khi thu hoạch vụ Thu Đông xong thì một tuần là xuống giống. Đến thời điểm này, nước đã cạn thì lúa cũng đã chín. Năng suất 35 giạ công (7 tấn/ha), hơn vụ trước 2 tấn/ha. Không thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đạt từ 2-2,5 triệu/công”.

Nông dân Dương Văn Bót, ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu đang canh tác khu vườn bưởi da xanh diện tích 6.500 m2. Khi biết thông tin có hạn, mặn, ông Bót đã chủ động dự trữ nước trong mương vườn. Đến nay, mặc dù xung quanh nước ở các kênh sát kiệt, nhưng trong vườn nước vẫn còn đến nửa mương, đủ tưới cây đến hai tháng nữa.

Ông Bót cho biết: “Bưởi lớn đang cho bông cho trái nên tôi ưu tiên tưới nhiều hơn chút. Trước đây tưới 1-2 tiếng thì bây giờ tôi tưới trở lại chừng nửa tiếng. Bưởi nhỏ trước tưới nửa tiếng thì giờ tưới chừng 15 phút thôi. Béc phun tôi cho thẳng vô gốc”.

Các giải pháp cứu lúa khô hạn

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Nê thời điểm này hạn mặn cũng có ảnh hưởng đến một số ít diện tích lúa mới trổ đều. Không chỉ riêng ở Gò Công Tây, một số địa phương khác tại ĐBSCL vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiếu nước.

Với những trà lúa mới trổ đang trong nguy cơ hạn mặn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo:

Đối với các trà lúa đang trổ mà còn đưa nước lên được thì đưa nước lên một đợt cuối cùng dù cho ít cũng được, để giúp cho lúa trổ thoát được tốt hơn và độ ẩm đất có thể nuôi được cây lúa.

Trong trường hợp không thể đưa nước lên được thì có hai giải pháp: Một là tưới bằng bình phun, khi lúa đã trổ xong thì có thể cung cấp 400-600 lít nước/ha. Tương tự như là phun thuốc để hỗ trợ cho sự sinh trưởng của cây lúa. Thời điểm phun thích hợp nhất là buổi chiều mát sau khi cây lúa đã trổ buổi sáng sẽ tránh được lúa lép.

Thứ hai, sử dụng một số hoạt chất giúp cây lúa tăng cường sức chống chịu đối với khô hạn. Các hoạt chất này, giúp cây lúa có thể vượt qua giai đoạn từ 5-7 ngày, giúp cho sự vận chuyển chất dinh dưỡng trong lá lúa, thân lúa về hạt được tốt hơn. Đó là trong trường hợp không thể nào đưa nước lên nữa hoặc là nồng độ nước quá mặn, trên 1,5‰.

Theo ông Tùng, nếu có điều kiện nông dân có thể di chuyển nước từ nơi khác đến cung cấp cho đồng ruộng thì thể tích cung cấp là 1.000 lít/ha.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam