Ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án ứng cứu và khắc phục tình trạng hạn hán dẫn đến mực nước sông Đà giảm thấp làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên trong tháng 6 và đầu tháng 7, với lượng mưa ít khiến mực nước sông Đà giảm thấp so với mọi năm khiến cho các doanh nghiệp, hộ dân nuôi cá lồng lao đao do mực nước thấp ô nhiễm, cá thiếu ô-xy trầm trọng khiến cá chết hoàng loạt.

Cá chết trắng lồng trên lòng hồ sông Đà

 

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện) là huyện có thiệt hại lớn nhất trong tỉnh cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 16 tấn cá nuôi lồng bị chết ngạt do thiếu ô-xy bởi mực nước lòng hồ sông Đà đang xuống thấp, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong vùng lòng hồ sông Đà.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Uỷ ban nhân dân huyện Đà Bắc thành lập đoàn công tác cùng với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các xã vùng ven hồ sông Đà chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có, chỉ đạo các hộ dân có lồng cá tại các vị trí nước cạn, sục bùn khẩn trương di rời lồng nuôi đến các vị trí nước trong, có dòng chảy, sử dụng đường ống dẫn nước sạch xuống các lồng nuôi để khắc phục nước đục, tăng cường ô-xy cho cá… Các hộ nuôi cần tìm nơi tiêu thụ đối với các sản phẩm cá còn tươi sống; trục vớt lượng bị chết cả khu vực trong lồng nuôi và khu vực hồ tự nhiên; có các biện pháp chế biến, tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; không để cá chết, thối rữa gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết đã nhiều năm nay, cứ đến mùa khô là mực nước hồ sông Đà xuống thấp nhưng năm nay mực nước lại bị thấp ngay trong mùa mưa, dẫn đến chính quyền và người dân không kịp trở tay, gây thiệt hại đến kinh tế ở địa phương và nhân dân. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần xây dựng phương án, có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật để giúp các hộ dân phòng, chống thiệt hại cho các lồng nuôi. Ông cũng đề nghị Ngân hàng giãn nợ, cho người dân nuôi cá lồng ở vùng thiệt hại vay tiền, tạo điều kiện cho các hộ dân tái sản xuất sau thiệt hại; đề xuất Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Sơn La cần thông báo trước kế hoạch khai thác tài nguyên nước trên hồ sông Đà để các xã ven hồ sông Đà thuộc hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình biết trước có biện pháp thích ứng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân nuôi trồng thủy sản  .

Hà Cao

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình