Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ tháng 11 và 12/2019, dự báo ranh mặn 4 g/lít đã ảnh hưởng đến 20-30 km cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng phạm vi này chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Tháng 1 và 2/2020, ranh mặn 4g/ lít vào sâu từ 40-67 km, cao hơn 10-15 km so với trung bình nhiều năm (TBNN), thấp hơn năm 2016 từ 6-27 km. Đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.

Tháng 3/2020, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, trường hợp nguồn nước tăng như thường xuất hiện ở một số năm gần đây xâm nhập mặn sẽ giảm; trường hợp nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 1, 2/2020.

Các ngày triều cường, gió chướng mạnh, xâm nhập mặn có thể tăng đột biến so với dự báo nhưng ở thời đoạn ngắn.

Với dự báo nguồn nước thấp và xâm nhập mặn đến sớm mùa khô 2019-2020, một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tổng diện tích lúa Đông Xuân có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn là 101.749 ha (Sóc Trăng 49.759 ha; Bạc Liêu 15.081 ha; Trà Vinh 12.774 ha; Tiền Giang 12.173 ha; Bến Tre 11.962 ha).

Theo nongnghiep.vn