Cụ thể, có hơn 171 ha lúa bị chuột phá hại; hơn 499 ha lúa bị ốc bươu vàng phát sinh gây hại và hơn 151 ha lúa bị bọ trĩ, ruồi đục nõn phát sinh gây hại.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do đó, để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, chuột gây ra trong quá trình sản xuất, Chi cục đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp vận động và hướng dẫn bà con nông dân trong thời gian từ ngày 16 - 31/1/2021 phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với địa phương thực hiện tốt một số biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, chuột hại sau:

Diệt chuột liên tục bằng nhiều biện pháp trong đó chú ý biện pháp thủ công, bẫy cơ học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ chuột thế hệ mới như Racumin 0,75TP, Storm  0,005% block bait, Broma 0,005% AB… hoặc sử dụng các loại thuốc trừ chuột khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Đối với ốc bươu vàng, các đơn vị phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nhất là chân ruộng thoát nước kém. Nếu có mật độ ốc bươu vàng 1,0 con/m2 trở lên thì dùng một trong những loại thuốc sau phun trừ hoặc rải như Honeycin 6 GR, Anhead 12 GR, Dioto 250EC, Moi ốc 750 WG…

Đối với bọ trĩ, sâu đục nõn, người dân được khuyến cáo dùng một trong các loại thuốc sau phun trừ như Karate 2,5 EC, Nurelle D 2,5/25 EC, Sutin 5 EC...; đồng thời kết hợp bón 2 - 3 kg DAP cộng với 2 - 3 kg kali/sào để lúa nhanh hồi phục, và nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát./.

TTXVN