Tại các huyện có thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc, Bác Ái, với sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường được diễn ra rất khẩn trương. Các địa phương huy động đông lực lượng đồng loạt phát quang bụi rậm, tổ chức phun xịt hóa chất, rải vôi tiêu độc khử trùng có trọng điểm, nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan và bùng phát thành dịch.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt này tập trung vào các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; hộ chăn nuôi gia đình; các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; các điểm trung chuyển; các cơ sở giết mổ; các điểm chợ mua bán…

Theo đó, ngành chức năng và lực lượng thú y cùng với người dân tiến hành phun thuốc sát trùng, rải vôi tiêu độc với thời lượng 2 lần/tuần, kể cả các vùng phụ cận. Toàn bộ thuốc sát trùng (hóa chất Bencocid) được tỉnh hỗ trợ đầy đủ cho các địa phương theo nhu cầu. Các trang trại chăn nuôi lớn, các cơ sở giết mổ động vật tập trung… chủ động thuốc, hóa chất để tiêu độc khử khử trùng với sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y.    

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng lần này là rất quan trọng, nhất là trong thời điểm nhiều địa phương trong cả nước bắt đầu xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và hơn thế là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cấp bách thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ với tần suất cao trong vòng một tháng để phòng, chống một cách có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và cho cuộc sống của người dân.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm này, các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm ở địa phương vẫn đang trong tầm kiểm soát. Riêng với dịch tả lợn châu Phi, nhờ thực hiện đồng bộ các biện phòng, chống dịch nên đến nay dịch bệnh đã được khống chế. Các địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi là huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn cũng đã quyết định công bố hết dịch.

Đến cuối năm 2019, Ninh Thuận có hơn 126.000 con gia súc (trâu hơn 4.000 con, bò 122.000 con); tổng đàn lợn hơn 90.900 con; đàn dê, cừu có hơn 288.000 con; tổng đàn gia cầm có hơn 1.700.000 con; trong đó, đàn gà 1.090,9 nghìn con, đàn vịt 629,6 nghìn con./.

Công Thử 

Theo TTXVN