Từ đầu vụ, diện tích vụ Hè Thu của tỉnh Phú Yên đã gieo trồng là 24.523 ha (giảm 1,3% so với năm 2018). Theo thống kê của các địa phương đến tháng 7/2019 đã có hơn 4.000 ha diện tích bị khô hạn; trong đó, có nhiều diện tích nguy cơ mất trắng. Hiện nay, mực nước trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ở mức rất thấp nên rất khó trong điều tiết nước chống hạn cho lúa.

Tại các cánh đồng lúa của xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), lúa Hè thu đã xuống giống được 40 ngày. Những ngày đầu còn có nguồn nước tưới từ các kênh và suối từ núi ra giúp lúa phát triển. Nhưng đến nay, nước đã không còn và lúa cứ thế chết dần.

Bên cạnh ruộng lúa với những kẽ nứt lớn, cây lúa khô cháy chết hần hết, ông Nguyễn Văn Hiền, (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) chua xót “Gia đình chúng tôi trồng 4 sào lúa, do khô hạn, lúa đã chết hết. Lúa chết như thế này, thu hoạch vụ Hè thu coi như không còn. Chưa có năm nào nắng hạn lại gay gắt như thế này.”

Điều mà người dân cần nhất lúc này là có nguồn nước để chống hạn nhưng tất cả các nguồn nước đã cạn kiệt. Vì thế, thiệt hại của nông dân cứ thế giá tăng theo những ngày nắng nóng. Riêng tại xã Hòa Thịnh có gần 700 ha lúa Hè Thu có nguy cơ thiệt hại 100% nếu những ngày tới trời không có mưa.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho biết, chỉ cần có nguồn nước là bà con nông dân có thể tự bơm vào đồng ruộng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các nguồn nước đã cạn, chỉ còn các giếng nước thì phải ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt. Cho đến thời điểm này có thể thấy 629 ha lúa của xã đã bị khô cháy và không còn khả năng sinh trưởng và cho thu hoạch.

Không chỉ ở xã Hòa Thịnh, nhiều cánh đồng lúa ở huyện Đông Hòa, Tuy An, Phú Hòa… đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng nhưng đã ngã hết màu vàng vì thiếu nước. Người dân đang cố gắng tìm kiếm nguồn nước hiếm hoi còn lại để cứu lúa. Hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên là Đồng Cam cũng được vận hành hết công suất; tăng cường các máy bơm điện, bơm dầu để phục vụ nhu cầu tưới nhưng khả năng đảm bảo tưới chỉ khoảng 3.196 ha.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Thủy nông Đồng Cam cho biết, một số khu vực như: Đập Tam Giang, Hải Yến, Đồng Kho nước đã âm dưới tràn. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng, chỉ còn giải pháp là dùng máy bơm để bơm nước từ sông vào các vị trí kênh mương đầu mối, từ đó cấp nước tưới cho các vùng bị hạn.

Trước tình trạng nắng hạn xảy ra gay gắt, UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực khảo sát những vùng bị khô hạn để chuyển đổi cây trồng. Đối với khu vực miền núi trồng sắn, mía thì nghiên cứu để chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Đối với vùng trồng lúa ở trên cao, nghiên cứu để chuyển sang trồng rau màu, cây dược liệu… Trước mắt, cần có sự phối hợp các nguồn nước từ các hệ thống thủy lợi để chống hạn.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Công ty thủy nông Đồng Cam phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là tại huyện Tây Hòa, bảo đảm tất cả các hệ thống thủy lợi phải được kết nối và hỗ trợ, san sẻ nước tưới cho nhau. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có yêu cầu đảm bảo điều tiết nước tưới từ hệ thống hồ đập và hồ thủy điện. Cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do nắng hạn gây ra.

Ngoài sự nỗ lực của địa phương trong chống hạn, Phú Yên cũng đã có báo cáo đề xuất các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí 9,8 tỷ đồng để chống hạn, xâm nhập mặn trong sản xuất vụ Hè Thu năm 2019.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối tháng 8/2019 diễn biến thời tiến vẫn còn nắng nóng gay gắt, nhất là khu vực tỉnh Phú Yên. Do vậy tình hình hạn hán, thiếu nước khả năng tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân một số nơi và hoạt động sản xuất nông nghiệp./.

Xuân Triệu

TTXVN