Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành và bà con nông dân trong tỉnh, cùng các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản.

Vụ Đông Xuân năm 2019- 2020, huyện Cẩm Giàng gieo trồng khoảng 550 ha cà rốt, tập trung tại các vùng đất bãi trù phú ven sông Thái Bình thuộc 4 xã: Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ và Cao An. Theo đánh giá của nông dân xã Đức Chính, vụ Đông năm nay, thời tiết thuận lợi giúp cà rốt sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp hơn các năm trước, năng suất bình quân ước đạt 380 tạ/ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn.

Các đại biểu tham quan cánh đồng cà rốt tại huyện Cẩm Giàng

 

Để thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ và thu mua sản phẩm cà rốt, ý kiến của phần đông các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, thay vì xuất khẩu cà rốt tươi thông thường, Hải Dương cần nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm từ cà rốt như cà rốt baby, cà rốt hấp chín, cà rốt cấp đông... Tỉnh nên chú trọng mở rộng diện tích trồng cà rốt áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP để tiếp cận các thị trường khó tính. Đồng thời làm tốt việc kết nối thông tin về sản lượng, chất lượng cà rốt giữa các vùng, các địa phương, nhà sản xuất và tiêu thụ; tạo điều kiện hơn nữa về giao thông, thủy lợi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mặt bằng, cơ sở hạ tầng, vốn, và các chính sách khác để các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ và chế biến trực tiếp thu mua nguyên liệu, sản phẩm ngay tại địa phương, gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà sản xuất, nhà nước, nhà khoa học và nhà tiêu thụ…

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Quân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và các doanh nghiệp. Đồng thời sẽ tiếp tục trình lãnh đạo tỉnh để đưa ra các chính sách trong nông nghiệp và tích cực kết nối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhằm mang lại hiệu quả hơn nữa trong việc trồng cây vụ Đông nói chung và cà rốt nói riêng.

Ông Trần Văn Quân- Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương phát biểu tại hội nghị

 

Cũng tại hội nghị này, các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ nông sản đã ký kết bản ghi nhớ hợp đồng tiêu thụ cà rốt vụ Đông 2019 – 2020 cho huyện Cẩm Giàng.

Cà rốt Cẩm Giàng đã khẳng định được thương hiệu. Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017. Năm 2019, sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Cà rốt Cẩm Giàng chủ yếu được thu mua, vận chuyển về các doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện để sơ chế, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,  Malaysia. Hiện nay có khoảng 20 doanh nghiệp, thương lái trực tiếp thu mua cà rốt ở Cẩm Giàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt, siêu thị Big C, Vinmart...

Nguyễn Quang Toan

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương