Báo cáo về kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT năm 2015 cho thấy, số lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp là 196.284 lao động, trong đó số lao động đã học nghề xong là 149.205 người, số người có việc làm là 136.222 người, số người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng là 5.697 người; số lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 18.675 người, số lao động tự tạo việc làm là 102.964 người, số người thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX doanh nghiệp là 7.172 người, số hộ thoát nghèo là 718 hộ, người có thu nhập khá 7.892 người. Trong năm 2015 cũng tập trung đào tạo nông dân nòng cốt có chứng chỉ nghề như thuyền trưởng, máy trưởng, người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, dẫn tinh viên, người quản lý thủy nông cơ sở. Đào tạo cho các chủ trang trại về kỹ thuật quản lý được 33.156/ 39.209 lao động, đạt 84,56% so với kế hoạch. Ngoài ra còn đào tạo cho đối tượng nông dân làm nghề yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, sản xuất giống cây trồng, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí nông nghiệp 26.099 người. Đối tượng nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn là 3.312 lao động.

Tham luận tại cuộc họp, các đại biểu cũng nêu lên các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cũng như các giải pháp để triển khai hiệu quả như: chú trọng thực hành, cầm tay chỉ việc, đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất, theo mùa vụ của cây con nên thời gian đào tạo cần linh động cho từng loại cây con. Kinh phí hỗ trợ cần tách riêng phần hỗ trợ cho các đối tượng tham gia học nghề đặc biệt các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Cần có hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sau đào tạo, công tác quản lý đào tạo rõ ràng. Nên tổng kết để đưa ra mô hình đào tạo có hiệu quả nhất.

TS. Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết hệ thống khuyến nông có rất nhiều hoạt động hướng tới công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT như: đào tạo ToT về phương pháp kỹ năng giảng dạy và kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp; phối hợp với các kênh truyền hình (VTC16, VTV2, VTV1) phát các chương trình về mách nhỏ nhà nông kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn cho người dân về các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, hệ thống khuyến nông triển khai hàng nghìn điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp làm hiện trường và cơ sở thực hành phục vụ cho hoạt động đào tạo huấn luyện nông dân. Ngoài ra, các chương trình truyền thông nông thôn, các hội thi, hội chợ, diễn đàn, trang web của Trung tâm luôn cập nhật các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề đào tạo nghề, cơ chế chính sách cho người học nghề, qua đó người nông dân cũng hiểu được mục tiêu của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia chương trình đào tạo này.

Để công tác đào tạo nghề năm 2016 đạt hiệu quả cao hơn, TS Trần Văn Khởi cũng cho biết, trước hết cần xác định danh mục nghề cho từng địa phương, từng vùng. Cần lựa chọn đội ngũ giảng viên có kỹ năng sư phạm, phương pháp tập huấn và kiến thức chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm thực tế và thực hành giảng dạy ngay tại các mô hình để học viên có thể áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 5 lớp về kỹ năng dạy học cho 150 cán bộ khuyến nông để tiếp tục tham gia vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá công tác đào tạo nghề năm 2015

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đánh giá cáo kết quả đào tạo nghề đã đạt được trong năm 2015 và vai trò của Ban chỉ đạo công tác đào tạo nghề. Để kế hoạch năm 2016 đạt kết quả tốt hơn, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT là cơ quan thường trực của Bộ về công tác đào tạo nghề cần phải phân công rõ vai trò và trách nhiệm của Ban chỉ đạo công tác đào tạo nghề theo Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 về sửa đổi bổ sung Quyết định 1956, từ đó tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu và danh mục nghề để phát huy lợi thế của địa phương và theo định hướng phát triển của ngành, xây dựng các tiêu chí hướng dẫn địa phương lựa chọn đội ngũ nông dân nòng cốt tham gia học nghề. Thứ trưởng cũng yêu cầu cần phải nâng cao chất lượng dạy và học, rà soát lại các cơ sở dạy nghề, kiên quyết không để các cơ sở yếu kém tham gia dạy nghề; Xem xét cơ chế phối hợp giữa các trường dạy nghề của Bộ với hệ thống khuyến nông để tận dụng được các mô hình khuyến nông một cách hiệu quả nhất.

Thanh Huyền 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia