Khoảng 10 năm trước, vợ chồng anh Trần Phước Sơn tại thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng bén duyên với nghề trồng nấm. Xuất phát từ nguồn vốn ít ỏi của hai vợ chồng, anh đã đầu tư xây lò hấp, dựng trại, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để sản xuất nấm bào ngư. Tuy nhiên, do sản xuất dựa trên kinh nghiệm và trang thiết bị không đạt chuẩn, hiệu quả sản xuất không ổn định, thậm chí có năm mất trắng do phôi nấm nhiễm bệnh. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn quyết tâm gắn bó với nghề.
Thấu hiểu được sự tâm huyết với nghề của vợ chồng anh Sơn, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và kỹ thuật nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ mô hình sản xuất nấm bào ngư theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình bao gồm hỗ trợ nguyên liệu, meo giống, hệ thống tưới nước tự động, kệ sắt di động, lò cấp hơi; phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật, theo dõi hỗ trợ trong suốt quá trình sản xuất; hướng dẫn hộ thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ chứng nhận VietGAP. Đây là mô hình được hỗ trợ, xây dựng và tích hợp nhiều công nghệ mới để sản xuất nấm như: công nghệ khử trùng bịch phôi nấm bằng phương pháp lò cấp hơi; bố trí nhà trồng bằng các loại giàn kệ khoa học, tiết kiệm diện tích, tăng hiệu suất sử dụng trên đơn vị diện tích, thuận tiện trong việc chăm sóc, thu hoạch; sử dụng hệ thống phun sương, làm mát tự động,... Mô hình được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
    |
 |
Mô hình được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP |
Anh Trần Phước Sơn, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất nấm với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu lấy công làm lãi, năng suất bấp bênh. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ vào sản xuất đã tiết kiệm được rất nhiều công lao động, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thời tiết. Với 20 tấn nguyên liệu sản xuất nấm bào ngư, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu được trên 120 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm nấm của hộ khi đưa ra thị trường rất được ưa chuộng, việc tiêu thụ trở nên dễ dàng hơn. Gia đình chúng tôi rất phấn khởi, trong thời gian tới sẽ mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất”.
Bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và Kỹ thuật nông nghiệp TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất có tâm huyết với nghề để xây dựng mô hình điểm. Quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro. Mô hình không chỉ giúp hộ sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất nấm theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh khi đưa ra thị trường. Việc phát triển sản xuất nấm tại địa phương còn giúp tạo việc làm cho nhiều nhóm người, đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi, và người lao động ở nông thôn. Bã thải nấm sau khi xả thải, được bà con địa phương tận dụng ủ để làm phân bón hữu cơ. Xây dựng được mô hình điểm cho các tổ chức, cá nhân tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để phát triển nghề nấm”
Sản xuất nấm bào ngư theo tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Nẵng không chỉ là giải pháp nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp hạn chế mà còn góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp địa phương. Đây là mô hình tiêu biểu cho sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và sự nỗ lực của nông dân trong hành trình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hồng Hậu
Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và KTNN TP Đà Nẵng