Năm 2024, sau một chuyến tham quan mô hình nuôi lươn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An triển khai tại huyện Diễn Châu, Yên Thành, anh Quảng nhận thấy tiềm năng lớn của loại hình chăn nuôi này: ít rủi ro, vốn đầu tư vừa phải, không cần diện tích lớn nhưng cho lợi nhuận đáng kể. Anh quyết định cải tạo đất vườn, xây dựng hệ thống bể nuôi ngay tại nhà. Thời gian đầu, thiếu kinh nghiệm khiến anh gặp không ít khó khăn, lươn chết hàng loạt, dịch bệnh phát sinh, kỹ thuật chưa vững. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi và kiên trì ứng dụng quy trình kỹ thuật, anh từng bước làm chủ kỹ thuật nuôi, bắt đầu gặt hái thành công.
Một trong những điểm sáng tạo và mang lại hiệu quả rõ rệt trong mô hình của anh Quảng là cách anh thực hiện nuôi lươn khép kín. Thay vì mua giống bên ngoài, vừa tốn kém, vừa tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh và chất lượng, anh Quảng quyết định tự sản xuất giống. Khu vực nuôi lươn bố mẹ được thiết kế riêng biệt theo hình thức bán tự nhiên, có bùn, nhằm kích thích lươn sinh sản tự nhiên. Sau khi thu trứng, anh áp dụng kỹ thuật ấp trứng nhân tạo và ươm lươn bột, đảm bảo con giống đồng đều, khỏe mạnh.
Sau nhiều lần thử nghiệm, thất bại rồi rút kinh nghiệm, anh đã nắm vững kỹ thuật cho lươn sinh sản nhân tạo, kỹ thuật ấp trứng và ươm giống. Từ chính nguồn giống của mình, anh tiếp tục nuôi lươn thương phẩm trong hệ thống bể không bùn. Cách làm này không những giúp giảm nguy cơ dịch bệnh, dễ quản lý môi trường nước, mà còn tăng mật độ nuôi, giúp tối ưu diện tích. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, tỷ lệ sống của lươn đạt cao, rút ngắn thời gian nuôi và cho sản lượng lớn.
Với mô hình khép kín, mỗi lứa lươn giống không chỉ phục vụ cho gia đình anh mà còn cung cấp cho các hộ nuôi khác trong tỉnh, tạo nguồn thu ổn định. Còn lươn thương phẩm sau 8 - 9 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch đều đặn, cỡ lươn thương phẩm khi thu hoạch từ 4 - 5 con/kg, giá bán dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg. Khi đã có sẵn con giống, chi phí đầu vào giảm đáng kể, từ đó lợi nhuận tăng lên đến 30-40% so với hình thức nuôi tách rời hoặc phụ thuộc bên ngoài.
Sau hơn một năm hoạt động, từ quy mô ban đầu chỉ 60 m² nuôi lươn bố mẹ và 80 m² lươn thương phẩm, đến nay trại của anh đã phát triển lên 150 m² lươn bố mẹ và 150m² lươn thương phẩm. Sản lượng năm đầu đạt hàng tấn lươn thương phẩm và hàng chục vạn con giống, trừ chi phí, anh thu lãi về gần 300 triệu đồng và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều hộ nuôi lươn trong khu vực.
Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình nuôi lươn và mở rộng quy mô, anh Nguyễn Sỹ Quảng đã chủ động liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhận được sự hướng dẫn kỹ thuật từ các chuyên gia. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ anh trong việc cải thiện quy trình nuôi, cung cấp những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật nuôi lươn, từ việc lựa chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ dịch bệnh. Sự hỗ trợ này giúp anh Quảng nâng cao hiệu quả mô hình, đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Nhờ sự năng động, sáng tạo và dám đổi mới, mô hình của anh nhanh chóng được chính quyền địa phương ghi nhận và khuyến khích nhân rộng. Nhiều hộ dân trong vùng đã bắt đầu học tập mô hình, từng bước hình thành nên một khu vực nuôi lươn tập trung, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Hồ Thị Hiền
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An