Việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt đối với một số huyện trọng điểm được quy hoạch và ưu tiên phát triển như Thanh Sơn, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê.... Qua quá trình đầu tư phát triển, từ năm 2006 tỷ lệ bò lai của toàn tỉnh là 15%, đến năm 2015 tỷ lệ bò lai là hơn 70%. Như vậy chất lượng đàn bò thịt nói chung đã được cải thiện đáng kể, đây là cơ hội để phát triển thêm nghề sản xuất mới "Nuôi vỗ béo bò thịt". Tuy nhiên, trên thực tế bà con nông dân chăn nuôi chủ yếu theo phương pháp chăn thả tự do, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như: thân cây ngô, rơm, rạ... là chính nên bò chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng thịt thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, không phát huy hết tiềm năng của tỉnh.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ triển khai mô hình "Vỗ béo bò thịt trong nông hộ" tại xã Tề Lễ và xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông với quy mô 330 con bò vỗ béo trong 100 hộ nông dân.

Để mô hình triển khai đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông, Ủy ban nhân dân xã Tề Lễ và xã Thanh Uyên tiến hành kiểm tra thực địa, chọn hộ có đủ điều kiện tham gia nuôi vỗ béo bò. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản cho bà con nông dân thực hiện mô hình. Để bà con nông dân nắm bắt được những tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng tốt vào thực tế sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã tổ chức lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò ngay tại địa bàn thực hiện mô hình cùng thời gian thực hiện mô mình trình diễn. Nhờ vậy không những các hộ đã biết áp dụng quy trình vỗ béo, phòng trừ bệnh cho bò thịt một cách tốt nhất mà còn biết hạch toán hiệu quả kinh tế, hiểu được lợi ích của việc nuôi bò vỗ béo. Từ đó, các hộ dân quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng xây dựng mô hình.

TTKNQG kiểm tra mô hình tại khu 7, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông

Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, việc lựa chọn đối tượng bò đưa vào vỗ béo sẽ quyết định đến hiệu quả kinh tế của mô hình. Đối tượng bò tham gia vỗ béo là những bò đực, bò cái già không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; những bò gầy do thiếu dinh dưỡng hoặc bê đực. Sau khi đã được tẩy các loại ký sinh trùng (sán lá gan, giun tròn, ngoại ký sinh trùng), tháng 4 năm 2016 đàn bò trong mô hình bắt đầu được thực hiện nuôi theo quy trình vỗ béo. Với định mức hỗ trợ vật tư cho mỗi con bò là 135 kg thức ăn hỗn hợp đảm bảo tiêu chuẩn trong thời gian 3 tháng, các hộ nông dân đóng góp đối ứng thêm đủ 135 kg thức ăn hỗn hợp để nuôi bò vỗ béo theo đúng quy trình kỹ thuật.

Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với cán bộ chỉ đạo tại địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện đúng theo quy trình nuôi vỗ béo. Đây là một yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của mô hình.

Kết quả sau 3 tháng nuôi vỗ béo cho thấy, bò tăng trọng bình quân 760 g/con/ngày tương đương với 22,8 kg/con/tháng. Cụ thể, đối với bò cái già loại thải  có khung xương to tăng trọng bình quân 23-24 kg/con/tháng; cao hơn so với bê đực (tăng trọng bình quân 21- 22 kg/con/tháng). Theo giá bán bò tại địa phương sau khi trừ chi phí, mỗi con bò vỗ béo cho thu lãi trên 1 triệu đồng/tháng; như vậy mô hình cho thu lãi trên 990 triệu đồng cho 100 hộ dân tham gia.

Bà Nguyễn Thị Huyền, khu 7 xã Tề Lễ là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây gia đình vẫn nuôi bò thịt nhưng chủ yếu chăn thả tự do, vừa tốn thời gian lại không nuôi được nhiều, bò chỉ tăng trọng được 10-12 kg/con/tháng. Từ khi được tham gia mô hình, thông qua lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông , bà đã nhận biết được sự cần thiết của việc tẩy ký sinh trùng cho bò trước khi đưa vào nuôi vỗ béo, quy trình nuôi vỗ béo bò để áp dụng, biết cách đo trọng lượng và tính khối lượng tăng trọng của bò. Gia đình bà nuôi 10 con bò vỗ béo, sau khi theo dõi trọng lượng bò hàng tháng cho thấy trọng lượng bò tăng cao hơn hẳn so với nuôi theo phương pháp truyền thống. Thực hiện theo quy trình vỗ béo, mỗi tháng cho gia đình bà thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng.

Cán bộ kỹ thuật TTKN tỉnh hướng dẫn bà con nông dân đo trọng lượng cho bò

Từ kết quả mô hình cho thấy vỗ béo bò thịt đơn giản, dễ làm, bò tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, tỷ lệ thịt xẻ cao, thịt mềm và thơm hơn nên giá bán cao. Đây là biện pháp kỹ thuật vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Mô hình thành công là địa chỉ tốt để các cấp chính quyền đánh giá, chỉ đạo nhân rộng giúp bà con nông dân quanh vùng học hỏi, áp dụng. Mô hình đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Lê Thị Kim Dung

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ