TS. Phan Huy Thông - GĐ. TTKNQG phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y các tỉnh tham gia dự án và đông đảo người chăn nuôi lợn tại địa phương.

Dự án được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016) với quy mô 300 lợn đực giống chất lượng (có nguồn gốc xuất xứ) ứng với 7.500 con lợn nái được thụ tinh nhân tạo, tương đương mỗi lợn đực giống trung bình cấp tinh cho 200 - 250 lợn nái sinh sản/năm, khoảng 400 - 500 liều tinh (phối kép). Số tinh lợn còn lại có thể thụ tinh nhân tạo cho lợn nái ngoài mô hình, tăng số lượng nái được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo (khoảng 70% số nái) tại các tỉnh thực hiện dự án; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho khoảng 600 nông dân.

Sau 2 năm triển khai, dự án đã đạt được những nội dung và mục tiêu đề ra. Cụ thể, nâng cao chất lượng giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh lợn đực giống ngoại hoặc lai chất lượng cao thay thế lợn đực giống trong nông hộ, tăng tỷ lệ sống của lợn con cho các đàn lợn nái thông qua hỗ trợ 200 lợn đực giống/100 hộ và 75.800 con lợn trong mạng lưới thú y cộng đồng, với 7.000 hộ tham gia mô hình thú y cộng đồng; Phát triển mạng lưới thú y cộng đồng đã nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi; Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về công tác giống và chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Chất lượng các hoạt động của dự án được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các đại biểu tham quan mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ tại Hà Nam

Về công tác chọn điểm, chọn hộ đã chọn “trúng”: Các điểm xây dựng mô hình đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của địa phương, các hộ tham gia mô hình đều có kinh nghiệm chăn nuôi, khai thác, quản lý lợn đực giống, có đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ công tác nuôi và khai thác tinh lợn, có nguồn nhân lực tốt, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp tinh giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Đặc biệt là dự án đã chọn được những hộ nuôi cả lợn đực giống và lợn nái nên việc hỗ trợ tinh từ những lợn đực giống tốt của dự án rất thuận lợi, đạt chất lượng cao.

Về kỹ thuật, người chăn nuôi đã tự phối tinh thành công: Người chăn nuôi lợn đực giống đã được trang bị kiến thức về kỹ thuật nuôi, quản lý, khai thác, pha chế, bảo quản tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo cho lợn, 100% các hộ đều có khả năng cung cấp tinh lợn và hướng dẫn cho các hộ nuôi lợn nái trong vùng về kỹ thuật phát hiện lợn nái động dục và kỹ thuật phối giống đúng thời điểm để tỷ lệ thụ thai cao. Trong tháng đầu khai thác, hầu hết lợn đực giống mới tập nhảy giá đều cho lượng tinh chỉ đạt từ 150 - 180 ml/con/lần, số ngày/lần khai thác từ 6 - 7 ngày. Khi lợn đã thành thục, tại những địa phương có nhu cầu mua ngay lợn đã bắt đầu khai thác thì năng suất cao hơn, 3 - 4 ngày khai thác một lần, lượng tinh trung bình/lần khai thác đạt cao, trung bình đạt 235,32 ml/con, đồng thời hoạt lực cao, trung bình đạt 81,9%, nồng độ tinh trùng cao, trung bình đạt 258,42 triệu tinh trùng/ml. Theo hướng dẫn của dự án, các hộ thường xuyên kiểm tra chất lượng tinh dịch của lợn nên đã kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác hợp lý nên kết quả sản xuất của lợn đực tương đối tốt.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả 2 năm (2014 - 2015) thực hiện dự án

Về chất lượng đàn lợn con được sinh ra từ dự án có nhiều ưu thế hơn so với lợn sinh ra ngoài mô hình: Đến nay đã có 20.237 lợn nái đã sinh con, đàn lợn con sinh ra rất đồng đều, đẹp và khỏe mạnh. Trung bình đạt 10,68 con/lứa, khối lượng con sơ sinh cao, trung bình đạt 1.329,13 g/con; tỷ lệ nuôi sống sau khi sinh cao, đạt 94,38% và khối lượng lợn con khi cai sữa trung bình đạt 7.431,57 g/con. Ở hầu hết các địa phương, cai sữa lợn con ở khoảng 30 ngày tuổi. Nhiều chủ hộ chăn nuôi cho biết, cùng con nái, cùng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, nhưng lợn con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo với tinh lợn đực giống trong mô hình có chất  lượng cao hơn phối giống trực tiếp: khối lượng con sơ sinh cao hơn trung bình khoảng 200 g/con; tỷ lệ nuôi sống sau khi sinh cao hơn 2 - 3% và khối lượng lợn con khi cai sữa trung bình cao hơn 500 – 1.000 g/con. Thông qua kết quả của mô hình, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi nhận thức chuyển từ chỉ phối giống trực tiếp sang áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Như vậy, mỗi lần phối giống thành công cho 1 lợn nái theo phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ tiết kiệm hơn phương pháp nhảy trực tiếp khoảng 20.000 – 70.000 đồng. Ngoài ra, thụ tinh nhân tạo còn hạn chế lây lan bệnh dịch, dễ cải tạo năng suất, chất lượng đàn lợn.

Về xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chăn nuôi: Đã xây dựng 56 mạng lưới thú y cộng đồng với 56 tủ thuốc thú y cộng đồng tại 15 tỉnh tham gia dự án, có cơ số thuốc nhất định để chủ động điều trị cho đàn lợn khi có bệnh xảy ra tại 56 điểm trình diễn. Đây là thành công bước đầu của dự án, trong 2 năm đầu triển khai đã không có dịch bệnh xảy ra đối với các bệnh dự án hỗ trợ vắc xin như tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, phó thương hàn, dịch tả lợn, tai xanh và lở mồm long móng tại những điểm triển khai dự án. Các hộ chăn nuôi theo hướng VietGAHP đã quan tâm sửa chữa, xây dựng chuồng trại theo kỹ thuật, chú trọng công tác giống; sử dụng thức ăn, nước uống có kiểm soát; tiêm phòng vắc xin, vệ sinh thú y và phòng trị bệnh cho lợn, duy trì việc ghi sổ theo dõi các hoạt động chăn nuôi.

Thành công của dự án sẽ góp phần tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và đảm bảo đàn lợn con khỏe mạnh, năng suất cao, được nhiều người chăn nuôi áp dụng. Tuy nhiên, khả năng nhân rộng ở một số địa bàn miền núi như Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai còn chưa rộng rãi, một số người nuôi chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của dự án nên chưa nắm được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để các hộ chăn nuôi thay đổi nhận thức, không phối giống trực tiếp cho lợn nái.

Từ những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn qua 2 năm đầu triển khai dự án, các đơn vị thực hiện sẽ có kế hoạch điều chỉnh trong năm thứ 3 để phát huy tối đa hiệu quả của dự án hơn nữa trong việc cải tạo chất lượng đàn lợn, nâng cao ý thức cộng đồng, duy trì và phát triển mạng lưới thú y cộng đồng và chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Thông qua đó, tuyên truyền và vận động người dân hiểu và áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, tạo sức cạnh tranh trước thềm hội nhập.

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia