Góp phần vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ bám sát vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn thành lập Hợp tác xã, tư vấn tổ chức sản xuất,...), thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số. Vì vậy, để tăng cường năng lực thực hiện công tác khuyến nông ở cơ sở thì việc củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông, trong đó có thành lập tổ khuyến nông cộng đồng là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm góp phần đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa phương.

Thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 của Ủy ban nhân  dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn số 1697/HDSNN về việc thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 150 tổ khuyến nông cộng đồng theo từng xã, phường với 1.355 thành viên tham gia (các thành viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, cán bộ đoàn thể, công chức địa chính nông lâm, viên chức Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp, đại diện hợp tác xã, nông dân điển hình...).

Sau khi thành lập, các tổ khuyến nông cộng đồng đã những hoạt động tích cực và đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa phương. Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 13.5) mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị tham mưu và ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí 13.5, đó là hướng dẫn các Trung tâm dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố đôn đốc các  xã, phường triển khai thực hiện. Tổ khuyến nông cộng đồng chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, phường và tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội khác ở  địa phương khi được chính quyền phân công. Chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng là hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn phát triển hợp tác xã; Tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong nông nghiệp; Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; Bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Cơ sở vật chất để các tổ khuyến nông cộng đồng sinh hoạt là tại Hội trường UBND xã, nhà làm việc Hợp tác xã và hội trường thôn.

leftcenterrightdel
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho tổ KN cộng đồng cách tiêm phòng dịch bệnh cho lợn

Qua hai năm thành lập và triển khai, tổ khuyến nông công đồng đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền như: Phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, tham gia đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được 235 lớp với 7.050 lượt nông dân tham gia, tư vấn thành lập được 180 HTX/THT (trong đó 11 hợp tác xã, 169 tổ hợp tác), tư vấn kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm với số lượng hợp đồng liên kết sản xuất 50 hợp đồng về các sản phẩm chủ lực của Yên Bái như: Bưởi Đại Minh, Tre măng Bát độ, Quế, Khôi nhung, lợn thịt, Bí đao xanh, Chè… Tư vấn quản lý chất lượng truy xuất nguồn gốc được 67 sản phẩm (Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Rượu MộcYên Hưng, thịt lợn sấy, mật ong, thịt sấy.....), tư vấn hỗ trợ về chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của huyện... Với nguyên tắc hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định của địa phương và nội quy, quy chế, điều lệ hoạt động của tổ, liên kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên để tổ khuyến nông hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa phương đạt kết quả tốt hơn nữa, cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến nông (theo Nghị định 83 về khuyến nông) để có nguồn kinh phí hoạt động như: Tổng kết, đánh giá hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương để có những  điều chỉnh, bổ sung về cơ cấu thành viên, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ. Hơn nữa cần nâng cao năng lực hoạt động động của tổ khuyến nông công đồng thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ hoạt động khuyến nông cộng đồng, có được các hoạt động tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho hoạt động tổ khuyến nông công đồng gữa các địa phương, vùng – miền, xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng và bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị để nhiệm vụ tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn.

Với những kết quả bước đầu hoạt động, tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, hình thành 1 tổ chức cộng đồng có sự đồng lòng từ Đảng, nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Đối với nhiệm vụ Khuyến nông đó là tăng cường hơn nữa vai trò, triển khai nhiệm vụ khuyến nông tại cơ sở, đặc biệt là cấp thôn, xã.., lấy tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, điển hình làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững./.

Phạm Thị Hằng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái