Năm 2020 cũng là năm đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn; giá các mặt hàng nông sản thấp và sức tiêu thụ chậm ảnh hưởng đến đầu tư của người dân; cơ chế chính sách khuyến nông chưa thay đổi kịp thời, mức hỗ trợ thấp; thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2020 khi chưa có chính sách và hướng dẫn của tỉnh nên gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Song, được sự chỉ đạo của trực tiếp, sát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự phối hợp của các địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ trong đơn vị, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang đã thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả nổi bật

Trong năm, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp để tìm kiếm các tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng sản xuất đại trà, bao tiêu nông sản hàng hóa cho bà con nông dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trong trồng trọt, lâm nghiệp, đã tập trung xây dựng các mô hình trình diễn để đưa giống mới, kỹ thuật mới, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, như: Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ bằng giống mới, chất lượng cao trên địa bàn trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa tại huyện Việt Yên và Yên Dũng; Mô hình trồng ba kích, nấm lim xanh dưới tán rừng tại huyện Sơn Động giúp bà con tận dụng đất rừng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từ đó góp phần giữ và bảo vệ rừng tự nhiên. Đặc biệt, các mô hình sản xuất vải hữu cơ trên giống vải chín sớm tại huyện Tân Yên và giống chính vụ tại huyện Lục Ngạn đã góp phần giúp các hộ sản xuất nắm bắt quy trình sản xuất vải hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thể hiện vai trò của chương trình khuyến nông tạo nên các sản phẩm vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ,… Mô hình tưới tiết kiệm chủ động và sử dụng phân bón hữu cơ cho cây cam, bưởi, tại xã Bình Sơn huyện Lục Nam giúp nông dân chủ động trong việc quản lý, chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nước. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các HTX triển khai Kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, dự kiến triển khai 01 chuỗi liên kết sản xuất khoai tây làm giống được triển khai kịp thời góp phần khuyến khích việc tổ chức sản xuất thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Yên Dũng.

Về chăn nuôi, các mô hình triển khai được người dân tiếp thu và đánh giá cao. Mô hình nuôi ong nội theo hướng VietGap tại xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn và xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, ngoài nâng cao chất lượng mật ong, nâng cao giá trị sản phẩm, còn khai thác lợi thế sản phẩm từ rừng, hỗ trợ thụ phấn tích cực cho cây ăn quả, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây ăn quả. Đặc biệt là việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, theo đó từ năm 2016 đến năm 2020 thực hiện được gần 40.000 liều tinh, phối giống cho 33.360 con bò của 31.000 hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, khoảng 27.500 con bê lai được sinh ra đem lại giá trị tăng thêm tối thiểu là 6 triệu đồng/con. Với việc áp dụng các giống mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi

 

Về thủy sản, mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên được đánh giá hiệu quả nổi trội hơn hẳn phương pháp nuôi truyền thống. Sau gần 6 tháng thực hiện, mô hình đã cho sản lượng thu hoạch cao, năng suất đạt 33,7 tấn/ha. Đây là mức năng suất rất cao trong thâm canh đối với mặt nước tĩnh. Ứng dụng công nghệ biofloc nuôi cá rô phi thâm canh hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với những diện tích ít có điều kiện thay nước trong quá trình nuôi. Mô hình giúp tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm...  góp phần cải thiện sức khỏe cho con người, từng bước hình thành nghề nuôi thủy sản bền vững.

Về công tác thông tin và đạo tạo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình thực hiện chuyên mục “Tạp chí Nông nghiệp nông thôn” với 24 chuyên mục, tập trung vào những nội dung theo sự chỉ đạo của ngành; đã xây dựng 48 chuyên mục phổ biến kiến thức trên Đài PTTH tỉnh. Phối hợp với Báo Bắc Giang, các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Phối hợp với Trung tâm DVKTNN các huyện, thành phố tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật; Tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả. Điểm nổi bật nhất trong công tác thông tin tuyên truyền là duy trì hoạt động thường xuyên của website: khuyennongbacgiang.com với lượng, lượt truy cập lớn. Để duy trì thường xuyên và nhiều người truy cập đòi hỏi lượng thông tin cập nhật lớn và hữu ích. Trung tâm cũng tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển cây có múi ở các tỉnh phía Bắc" với hơn 200 đại biểu tham gia và được các đơn vị tham gia đánh giá cao.

Nhiệm vụ năm 2021

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Trồng trọt: Khuyến khích, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới (quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GAP; quy trình quản lý cây trồng tổng hợp; các giống cây trồng mới…) vào sản xuất; Nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua một số mô hình liên kết hiệu quả theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với cây trồng chủ lực để nhân rộng; Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng tiểu vùng khí hậu trong tỉnh.

Lâm nghiệp: Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật và sản xuất kinh doanh để phát triển và quản lý rừng bền vững theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng rừng nhằm tăng thu nhập cho người trồng rừng, kinh doanh và dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chăn nuôi: Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình quản lý tiên tiến, mô hình liên kết trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Thủy sản: Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác nhằm tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về diện tích mặt nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Khai thác sử dụng mặt nước hồ chứa, sông ngòi hiệu quả và hợp lý.

Công tác đào tạo, tập huấn: Thực hiện rà soát, cập nhật, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm xây dựng và phát triển nhân rộng mô hình trình diễn; Đẩy mạnh áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường, phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm… vào hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động.

Công tác thông tin tuyên truyền: Bồi dưỡng nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông cho cán bộ khuyến nông như kỹ năng viết tin, bài, quản trị mạng, duy trì thường xuyên trang thông tin điện tử khuyến nông được nhiều người truy cập.

Nguyễn Văn Thành

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang