Thông thường một chương trình hướng dẫn kỹ thuật trên truyền hình có thời gian phát sóng từ 10-15 phút. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, đọng lại nơi người xem là hình ảnh người cán bộ khuyến nông với sắc thái tươi tắn, giọng nói truyền cảm, rõ ràng, mạch lạc, ngôn từ gần gũi cùng với các hình ảnh minh họa thực tế, các thao tác hướng dẫn tỉ mỉ, chân thực, dễ hiểu giúp cho người dân dễ dàng làm theo. Tuy nhiên ẩn chứa trong đó lại là biết bao công sức và sự vất vả của những cán bộ khuyến nông làm công việc này.

Cán bộ TTKN tỉnh Yên Bái hướng dẫn kỹ thuật phát trên chuyên mục "Khuyến nông" của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Để có được một chương trình hướng dẫn kỹ thuật trên sóng truyền hình, người cán bộ khuyến nông phải trải qua rất nhiều vai. Đầu tiên là viết kịch bản chương trình, đây là khâu đòi hỏi người cán bộ khuyến nông phải có tư duy nhạy bén, có cái nhìn bao quát trong sản xuất nông nghiệp của địa phương để lên ý tưởng, xây dựng kịch bản tuyên truyền hướng dẫn các kỹ thuật sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân, bám sát thời vụ cũng như mang tính thời sự…

Vai thứ 2 mà người cán bộ khuyến nông làm công tác truyền hình phải trải qua đó là chuẩn bị hiện trường quay truyền hình và dụng cụ hỗ trợ trong quá trình thực hiện, bám sát với nội dung kịch bản đã xây dựng. Đây là khâu quyết định đến các hình ảnh minh họa cho kỹ thuật được hướng dẫn, vì vậy để có nhiều hình ảnh minh họa theo từng giai đoạn, từng kỹ thuật cụ thể cũng đồng nghĩa với việc cần phải có nhiều hiện trường khác nhau và công việc chuẩn bị hiện trường vì thế cũng tốn nhiều thời gian, công sức hơn. Ngoài chuẩn bị hiện trường còn phải chuẩn bị thêm các vật dụng, dụng cụ, vật tư phục vụ cho quá trình hướng dẫn được tỉ mỉ, đầy đủ để người xem dễ hình dung nhất.

Thao tác thực hành đóng vai trò quan trọng trong thành công của một chương trình truyền hình

Vai thứ 3 - Diễn xuất: Khi mọi công đoạn từ kịch bản đến hiện trường đã hoàn thành thì người cán bộ khuyến nông lại phải đóng luôn vai trò diễn xuất chính. Ở khâu này, để có được những hình ảnh đẹp, chân thực mà người xem thường thấy thì đòi hỏi người cán bộ khuyến nông phải trải qua quá trình rèn luyện khá vất vả, phải học thuộc kịch bản, nhiều khi phải đứng trước gương tập nói nhiều giờ đồng hồ cho nhuần nhuyễn. Đến khi lên hình, ngoài việc phải thể hiện được sắc thái tươi tắn, giọng nói rõ ràng, truyền cảm, có điểm nhấn, kỹ năng thao tác thực hành phải chuẩn xác thì ngôn ngữ hình thể cũng đóng vai trò quan trọng để giúp việc truyền tải những điều muốn nói. Có những cảnh quay khi lên sóng chỉ vài chục giây nhưng thực tế khi quay tại hiện trường có khi phải mất hàng giờ đồng hồ. Thông thường để hoàn thành một chương trình phát sóng dài vài phút, phải mất rất nhiều ngày để chuẩn bị các khâu và ghi hình.

Qua đây mới thấy để có một chương trình khuyến nông trên sóng truyền hình hay, phù hợp nhu cầu người xem, những cán bộ khuyến nông làm công việc này phải đảm nhận rất nhiều vai trò và các vai đều liên quan trực tiếp đến chất lượng của chương trình – đồng nghĩa với việc họ luôn phải làm tròn vai. Vì vậy ngoài tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao thì bên trong họ luôn có một bầu nhiệt huyết, một sự say mê với nghề nghiệp, cống hiến hết mình cho công việc – họ chính là những “diễn viên" không chuyên xuất sắc của người nông dân./.

Trần Ngọc Sơn

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái