Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn như: Lâm Đồng; Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La,…

Toàn cảnh hội nghị

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và các đơn vị tham dự Hội nghị, chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả thiết thực như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha, vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu. Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 được 129.008,4 ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011-2021 được 166.579,2 ha. Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã báo cáo với Hội nghị về những kết quả hoạt động khuyến nông tham gia thực hiện chủ trương, đề án của Bộ về tái canh cà phê, cụ thể: trong giai đoạn 2014- 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã: (i) xây dựng, phát hành 2.000 cuốn tài liệu về kỹ thuật tái canh cà phê; (ii) xây dựng Bộ tài liệu tập huấn ToT về sản xuất cà phê bền vững; (iii) tổ chức 08 diễn đàn, tọa đàm khuyến nông với các chủ đề phục vụ tái canh cà phê như: tưới nước tiết kiệm, thâm canh hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi, phát triển cà phê bền vững; (iv) tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ToT cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông ở các vùng trồng cà phê chính về kỹ thuật tái canh cà phê và ghép cải tạo cà phê; (v) triển khai 06 dự án khuyến nông chuyển giao các giải pháp kỹ thuật đồng bộ về sản xuất cà phê bền vững như: kỹ thuật thâm canh tổng hợp, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, quản lý phân bón, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại, thu hoạch, bảo quản; (vi) các mô hình khuyến nông về tái canh cà phê đều đạt năng suất cao (bình quân 4,0 tấn/ha), chất lượng đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified, Rainforest Alliance;…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận hội nghị
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014- 2020 đã thành công tốt đẹp, đạt và vượt mục tiêu đã đề ra. Đề án tái canh cà phê không những góp phần duy trì năng suất, sản lượng của ngành cà phê mà còn góp phần nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Một số bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là: (i) Đề án được triển khai đúng thời điểm, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất và phù hợp với nguyện vọng của nông dân; (ii) Thành lập Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ với các địa phương (quản lý, nghiên cứu, khuyến nông), chỉ đạo linh hoạt, bám sát tình hình thực tiễn sản xuất và xử lý, giải quyết các khó khăn một cách kịp thời; (iii) Thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống (có bộ giống tốt, có hệ thống nhân giống đầu dòng, quản lý giống đưa vào tái canh), chuyển giao các gói kỹ thuật đồng bộ tổng hợp, có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ từ các gói tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đến các chương trình, dự án, tổ chức quốc tế như VnSAT, IDH, 4C, UTZ,… Và một nguyên nhân rất quan trọng không thể thiếu đó là sự chủ động, sáng tạo của những người nông dân trồng cà phê đã rất tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, mạnh dạn tái canh các vườn cà phê già cỗi hoặc sâu bệnh để tăng hiệu quả kinh tế cho vườn cà phê.

Trong giai đoạn tới, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như vùng Tây Nguyên nói riêng. Thị trường cà phê vẫn còn tiềm năng phát triển, đặc biệt là ở khu vực Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) khi mà giới trẻ ngày càng có xu hướng sử dụng cà phê nhiều hơn. Với sự phát triển của Công nghệ 4.0, công nghiệp chế biến sâu sẽ góp phần tạo ra nhiều các chủng loại, mẫu mã sản phẩm cà phê phù hợp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021- 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về quy mô, địa điểm và lộ trình tái canh. Cần xác định rõ biện pháp tái canh cho từng địa bàn cụ thể (trồng mới hay là ghép cải tạo, sử dụng giống nào là phù hợp, áp dụng quy trình kỹ thuật nào?). Tiếp tục duy trì và phát huy các cơ sở sản xuất giống sẵn có, quản lý chặt chẽ chất lượng giống, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cơ sở hạ tầng mà dự án VnSAT đã đầu tư xây dựng. Tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các quy trình sản xuất cà phê bền vững (tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa, phòng trừ sâu bệnh).

Để ngành cà phê phát triển bền vững cần lưu ý đến các vấn đề như: giảm chi phí đầu vào (để giảm giá thành sản xuất), thâm canh cân đối, hợp lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Để Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021- 2025 triển khai thực hiện thành công cần phải có sự phối hợp, lồng ghép với các chương trình giống, chương trình khoa học công nghệ, chương trình khuyến nông cũng như sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước với các gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng cà phê.

Thị trường cà phê vẫn còn tiềm năng phát triển

 

Bá Tiến - Đỗ Tuấn