Bác Hồ của chúng ta ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước đã phát động phong trào toàn dân trồng cây. Người luôn là người đi đầu trong phong trào tết trồng cây mỗi dịp tết đến xuân về. Từ đó, hàng năm Nhà nước ta luôn phát động phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân, nhất là vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phong trào trồng cây phân tán bị bỏ ngỏ, không được đề cập đến hoặc nếu có chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ ở một số địa phương, một số ngành, chưa tạo thành một phong trào, một chủ trương rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, ngày 31/12/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Nội dung Chỉ thị nêu rõ cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời giao Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

Lợi ích của phong trào trồng cây phân tán là rất lớn nhưng trước hết cần được xem xét trên các khía cạnh sau đây:

- Thứ nhất, trồng cây phân tán tạo ra một khối lượng sản phẩm gỗ, củi đáng kể cho cộng đồng cư dân địa phương.

Nhiều địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chỉ bằng việc trồng cây quanh vườn (như xoan, lát hoa…) đã đủ gỗ cho xây dựng nhà cửa.

Trồng cây phân tán ven đường

 

Một số địa phương ở miền Trung do địa hình đất dốc nên phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đều dành cho trồng rừng phòng hộ, chỉ lợi dụng đất ven đường, ven kênh để trồng cây (bạch đàn, keo…), nhưng cũng tạo được thu nhập đáng kể cho gia đình.

Nhiều huyện đồng bằng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, riêng hình thức trồng cây phân tán hàng năm đã thu dược hàng nghìn tấn gỗ nguyên liệu xuất bán cho các nhà máy dăm trong vùng thu về hàng trăm triệu đồng - một nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Còn ở Đồng bằng Sông Cửu Long - vùng đất “thuần lúa” nhưng nhờ biết lợi dụng diện tích bờ bao, bờ vùng, hệ thống kênh mương rộng khắp để trồng cây phân tán nên một phần đáng kể nhu cầu gỗ, củi và nguyên liệu cho đồ mộc gia dụng tại chỗ đã được giải quyết. Điển hình là Nông trường Sông Hậu, trước kia là một đơn vị chuyên nuôi trồng và kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm về lương thực, thực phẩm nhưng biết phát huy lợi thế của mình đã lập một vườn ươm gieo tạo hàng trăm ngàn cây giống lâm nghiệp mỗi năm để công nhân trồng phân tán trên các tuyến kênh mương thủy lợi, tạo được một khoản thu không nhỏ, đặc biệt đã giải quyết việc làm cho nhiều người lao động trong đơn vị.

Trồng cây phân tán ven kênh, rạch

 

- Lợi ích thứ hai của việc trồng những hàng cây xanh ven đường, ven kênh chính là tạo ra những hàng tiêu, cột mốc, vật bám giữ cho người dân vùng lũ vào mùa nước ngập. Chính những hàng cây này trong những tình huống đặc biệt đã giúp người dân né tránh được rủi ro do lũ trôi, lũ cuốn.

- Thứ ba, những hàng cây quanh vườn, quanh ruộng góp phần bảo vệ được mùa màng. Nhiều thực nghiệm, đồng thời qua thực tế đã kiểm chứng được những ruộng lúa có bờ cây chắn gió bao quanh với một cự li thích hợp đã giúp giảm thiểu được thiệt hại ảnh hưởng bất lợi đến năng suất do gió bão. Với những vườn cây ăn quả, cây công nghiệp lấy quả (điều, tiêu, cà phê …) có hàng cây chắn gió cũng cho kết quả tương tự, đặc biệt là ở những vùng chịu ảnh hưởng nhiều của gió, bão.

Trồng cây phân tán bảo vệ ruộng, vườn

- Ngoài ra, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, một lợi ích không thể bỏ qua của việc trồng cây phân tán trên các bờ kênh mương thủy lợi là góp phần hạn chế sự lây lan và phát triển của loài cây trinh nữ thân gỗ (cây mai dương), một loài cây có nguồn gốc ở Trung, Nam mỹ và hiện nay đang xâm nhập và trở thành đối tượng cỏ dại nguy hiểm ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, gần đây cây trinh nữ thân gỗ lây lan và xâm nhiễm một diện tích khá rộng lớn ở nhiều tỉnh miền Nam, đặc biệt là ở các vùng đất trống, vùng đất bán ngập nước… Loài cây này nếu mọc trên các bờ kênh, mương và lượng hạt giống rơi xuống theo dòng nước trôi sẽ có tốc độ lây lan càng nhanh hơn. Nhiều biện pháp phòng trừ cây trinh nữ thân gỗ đã được nghiên cứu (kể cả trong và ngoài nước) nhưng cho đến nay chưa có biện pháp nào khả dĩ. Trước mắt, bằng việc trồng các loài cây lấy gỗ, cây ăn quả trên các bờ kênh, mương vừa cho sản phẩm kinh tế, vừa hạn chế được việc xâm nhập và lây lan của loài cây nguy hiểm này.

- Một lợi ích khác của rừng cây phân tán, đó là cùng với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, chống sạt lở thì cây trồng phân tán cũng góp phần điều hoà khí hậu, chống ô nhiễm tiếng ồn ở các khu vực đông dân cư, các đô thị và khu công nghiệp, đồng thời kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi. Đây là lợi ích bao trùm nhất, đáng ghi nhận nhất, là một trong những “cơ sở vật chất” của “lợi ích tinh thần” mà cuộc sống hiện đại đang vươn tới. Ngay từ năm 1991 người Nhật đã lượng hoá và tính toán được giá trị kinh tế do rừng đem lại từ việc cung cấp oxy và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng vào khoảng 26.090 tỷ yên Nhật ( tương đương 222,3 tỉ đô la Mỹ) là vì thế.

Rõ ràng, chương trình trồng cây phân tán trong nhân dân mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng (về kinh tế, xã hội, môi trường). Tuy nhiên trong những năm gần đây phong trào trồng cây phân tán bị bỏ ngỏ, không được đề cập đến, hoặc nếu có chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ ở một số địa phương, một số ngành, chưa tạo thành một phong trào, một chủ trương rộng khắp trên phạm vi cả nước. Thiết nghĩ trong thời gian tới, thông qua các chương trình, dự án trồng rừng, bên cạnh nội dung trồng rừng tập trung, khoanh nuôi bảo vệ rừng…, Nhà nước cần xem xét dành một phần kinh phí đáng kể hỗ trợ đầu tư trồng cây phân tán để vừa đáp ứng được yêu cầu phòng hộ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng và hơn thế nữa là “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Nguồn kinh phí đó, nếu có thể, nên chăng xem xét xây dựng thành các dự án nhỏ trong chương trình khuyến nông hàng năm./.

Ngô Văn Đây