Tại Phú Thọ, cây có múi được xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình để đầu tư phát triển. Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 4.000 ha, trong đó riêng diện tích bưởi Đoan Hùng là 1.250 ha; tổng sản lượng ước đạt trên 21.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cây có múi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thách thức như: Giống chất lượng còn ít, vẫn còn sử dụng các giống đã thoái hóa; tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; quy trình canh tác lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Chính vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây có múi, đặc biệt là thông qua hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông tại địa phương.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Nội dung của lớp tập huấn là giới thiệu một số giống cây có múi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Phú Thọ; quy trình trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi. Ngoài nội dung lý thuyết, lớp học đã bố trí xen kẽ các nội dung thực hành như: Nhận biết, phân biệt và lựa chọn các loại cây có múi như cam V2, cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi da xanh…; Thực hành cắt tỉa cành, tạo tán trên cây cam, bưởi; Kỹ thuật ngâm ủ chế phẩm hữu cơ vi sinh từ đậu tương sử dụng cho cây có múi; Thực hành kỹ thuật ghép quả trên cây có múi. 

Thực hành kỹ thuật ghép quả trên cây có múi

Ban tổ chức lớp tập huấn cũng đã tổ chức cho học viên đi tham quan mô hình sản xuất bưởi quả chất lượng cao với các giống bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao, tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng.

Thông qua 2 ngày học tập trung và hiệu quả, học viên của lớp học đã được trang bị những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật đối với cây có múi tại địa phương. Từ đó tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển cây ăn quả có múi trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Phú Thọ.

Nguyễn Sơn Tùng

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ