Toàn cảnh Hội thảo

 

Hội thảo thu hút sự tham gia của 160 đại biểu trong đó có 70 đại biểu là nông dân và các cán bộ khuyến nông của 8 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hòa Bình, Yên Bái và Thái Nguyên. Tham gia giới thiệu tiến bộ kỹ thuật (TBKT) tại Hội thảo có đại diện các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT như: Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi: Tập đoàn Dabaco, Công ty Mebipha, công ty giống gia cầm Minh Dư, công ty VMC, Công ty Hòa Bình Biotech, Tập đoàn Quế Lâm...

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và ông Nguyễn Công Trình – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đến làm việc và tham quan Công ty TNHH MTV gà giống Dabaco.

Các đại biểu đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH MTV gà giống Dabaco

 

Từ năm 2009 đến năm 2020 đã có 104 TBKT về chăn nuôi được công nhận. Ttrong đó: Giống vật nuôi có 52 TBKT cho các đối tượng lợn, gà, vịt, ngan, ngan lai vịt, ong tằm; Thức ăn chăn nuôi có 10 TBKT về quy trình sản xuất và chế phẩm sinh học; Môi trường chăn nuôi có 17 TBKT về quy trình xử lý biogas và các mẫu công trình khí sinh học; Quy trình chăn nuôi và các công nghệ khác có 25 TBKT về các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng bệnh.

Thông qua việc ứng dụng các TBKT vào sản xuất, năng suất và chất lượng các đàn giống được nâng cao rõ rệt, nhiều TBKT của thế thế giới về giống và công nghệ được áp dụng, các TBKT trong nước được tạo ra và chuyển giao cho sản xuất. Các giống năng suất cao của thế giới, các giống bản địa chất lượng cao được phát huy, nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao, tự động hóa có hiệu quả, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, an toàn dịch bệnh được tăng cường. Nhiều chuỗi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm được hình thành, một số sản phẩm chăn nuôi tham gia xuất khẩu như thịt gà, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, thịt lợn… để nâng cao giá trị của sản phẩm. Các TBKT đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi tại các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, ở các vùng miền núi, khó khăn, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn ít và có nhiều hạn chế.

Hội thảo là nơi để các nhà quản lý, các Viện, các trường Đại học, các doanh nghiệp, người nông dân giới thiệu và đánh giá các TBKT mới, từ đó lựa chọn được các TBKT thích hợp tại địa phương, áp dụng vào sản xuất giúp cho chăn nuôi phát triển bền vững có hiệu quả.

Tổng kết Hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh đề nghị, các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện các nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn để công nhận TBKT đối với các quy trình nuôi cho các giống mới, tổ hợp lai mới được tạo ra trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu tăng giá trị gia tăng cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi tiếp thu các công nghệ mới trong thiết kế chuồng trại, phòng bệnh, ấp trứng, các hệ thống phụ trợ trong chăn nuôi đạt tiêu chí về cơ giới hoá, tự động hoá nhằm tăng năng suất chăn nuôi. Về chính sách, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao TBKT và công nghệ mới trong chăn nuôi; Triển khai các chính sách đã được ban hành giúp người chăn nuôi có điều kiện để tiếp cận với TBKT; Tăng cường công tác khuyến nông và đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi về TBKT và công nghệ mới để người chăn nuôi chủ động lựa chọn và áp dụng.

Nguyễn Duy Điều

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia